Đứa trẻ đó có cha là bị cáo trong vụ án giết người. Mẹ nó là nạn nhân đã mất. Nó không xuất hiện tại phiên tòa nhưng là điểm quan tâm nhất mà mọi người hướng tới. Không phải người ta xót vì gia đình nó nghèo, không đủ điều kiện nuôi nó lớn khôn mà người ta đau bởi nó bị xoáy vào tấn bi kịch quá sức chịu đựng của một bé gái lên bảy.
Con trẻ mồ côi...
Ngày 30-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Phạm Xuân Linh 15 năm tù về tội giết người. HĐXX nhận định nguyên cớ nhỏ nhặt, bị cáo đã tước đoạt mạng sống của người bị hại. Nhưng xét các tình tiết giảm nhẹ nhân thân và để đảm bảo quyền lợi cho con nhỏ của bị cáo và người bị hại, tòa có cân nhắc giảm nhẹ hình phạt và tuyên mức án thấp hơn đề nghị của VKS (viện đề nghị từ 18 đến 20 năm tù).
Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2012, Linh và chị PND ly hôn. Chị D. được quyền trực tiếp nuôi con, Linh mỗi tháng cấp dưỡng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do chị D. hay gây khó mỗi khi Linh đến thăm con nên đôi bên hay xảy ra mâu thuẫn. Sáng 10-5-2015, Linh đến đón con đi chơi thì lại cãi vã với chị D. Sau đó Linh về nhà thay bộ đồ jeans (giống đồng phục công nhân điện), mang theo túi xách màu đen trong có dao, băng keo và một số dụng cụ khác. Rồi Linh đội nón bảo hộ lao động, đeo kính đen, khẩu trang, chạy xe máy đến nhà vợ cũ.
Đến nơi, Linh gọi cửa, nói cần sửa điện trên lầu 1. Chị D. mở cửa cho Linh vào nhà. Tại phòng ngủ lầu 1, Linh lấy dao kề vào cổ, uy hiếp chị D. Lưỡi dao oan nghiệt gây thương tích cho nạn nhân. Hàng xóm nghe tiếng kêu liền báo lực lượng dân phòng. Nghe tiếng gọi cửa, chị D. xông ra kêu cứu. Linh ôm vật nạn nhân xuống sàn nhà và tấn công nạn nhân không thương tiếc.
Khi nạn nhân bất tỉnh, Linh xuống nhà mở cửa và bị bảo vệ dân phố giữ lại. Mọi người đưa chị D. đi cấp cứu nhưng đến tối thì nạn nhân qua đời.
Tại CQĐT và cả ở tòa, Linh khai nhận do ấm ức vì bị vợ cũ xúc phạm nên nảy sinh ý định đe dọa. Khi khống chế, Linh chỉ muốn nạn nhân im lặng chứ không nghĩ đến hậu quả chết người...
Xuất hiện ông ngoại ở phút 89
Mẹ mất, cha bị bắt tạm giam, đứa bé lúc này chỉ còn biết nương nhờ bà nội. Nhưng rồi số phận đẩy đưa, sau đó không lâu đời nó lại... xuất hiện thêm ông ngoại. Bằng cách nào đó, nó đã phải về ở với người ông này.
Ngày ba nó ra tòa ngẫu nhiên lại trùng với ngày sinh nhật nó. Nhưng nó không xuất hiện ở tòa. Người ta chỉ biết rằng nó đang ở Tiền Giang với ông ngoại. Người ông xuất hiện ở “phút 89” được cơ quan điều tra đưa vào lấy lời khai vì ông muốn làm người giám hộ cho cháu ngoại. Ông xuất trình một quyết định của TAND tỉnh Tiền Giang có sau ngày xảy ra vụ án mạng mà ba nó là bị cáo bốn tháng. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của ông xác định chị D. đã chết là con của ông dựa trên bằng chứng ADN.
Sau những tình tiết đau lòng liên quan đến án mạng, câu chuyện ở tòa lại nóng lên với việc tranh chấp ai là người giám hộ cho đứa bé sau này. Theo đó, tòa chỉ xác định “ông ngoại phút 89” của nó và nó là đại diện theo pháp luật của người bị hại (là mẹ nó). Còn về người giám hộ nó, tòa nói sẽ được xác định trong một vụ án dân sự khác theo luật định.
Chưa biết ai sẽ giám hộ cháu bé
Một số bạn bè của mẹ đứa trẻ kể mẹ nó có một số tài sản giá trị gồm mấy căn nhà, xe hơi và tiền ở nhà và ở ngân hàng. Trước ngày bị nạn, mẹ nó đã đưa người cha mới nhận (tức “ông ngoại phút 89” của nó) qua nước ngoài chạy thận mất cả tiền tỉ. Sau ngày mẹ nó mất, nó được chăm lo bởi bà nội. Do bà lớn tuổi, già yếu nên có thuê một người vú chăm cháu. Rồi một ngày, nó bị buộc phải rời xa bà nội để theo ông ngoại, dĩ nhiên nó chẳng thể hiểu vì sao...
Tại tòa hôm ấy, ông ngoại của nó không xuất hiện mà chỉ có đại diện của ông và luật sư đến tòa. Họ yêu cầu cha nó bồi thường tiền chi phí mai táng cho mẹ nó cùng tổn thất tinh thần và cả tiền cấp dưỡng nuôi nó, tổng cộng hơn 1 tỉ đồng.
Bà nội nó nói trong nước mắt: “Cám ơn bạn bè, người thân đã chung tay chăm sóc lo chi phí mai táng và chăm nom cháu. Tôi hy vọng toàn bộ tài sản của mẹ cháu để lại có phương án bảo quản tốt, đợi cháu tôi đủ tuổi trưởng thành sẽ nhận lại. Còn tôi sẽ tự lo nuôi cháu khôn lớn”.
Cuối cùng, về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên bác yêu cầu về chi phí mai táng do ông ngoại nó đưa ra do ông không xuất trình được các chứng từ liên quan. (Tuy nhiên, tòa tuyên cha nó phải trả cho ba người thân của mẹ nó - những người trực tiếp đứng ra làm đám tang cho người mẹ nó và có chứng từ chứng minh - 170 triệu đồng).
Về tổn thất tinh thần, tòa xác định bị cáo phải bồi thường cho ông ngoại của bé gái và nó khoảng 69 triệu đồng. Ông ngoại được hưởng một nửa số này, nửa còn lại thuộc về đứa trẻ nhưng phải chờ có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định ai là người giám hộ thì người đó sẽ nhận giữ giùm. Đồng thời phần yêu cầu cấp dưỡng nuôi được tách ra giải quyết bằng vụ án khác khi có người giám hộ.
Suốt cả phiên xử, người dự khán đau đáu với câu hỏi không biết số phận bé gái bảy tuổi sẽ đi về đâu...
Đứa bé được hưởng một nửa di sản của mẹ Nếu đã có quyết định có hiệu lực của tòa án công nhận “ông ngoại phút 89” của cháu bé là cha của chị D. (mẹ cháu bé) thì người ông này (và cháu bé đều) thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chị D. Vì vậy, di sản của chị D. sẽ được chia đôi, người ông một nửa, cháu bé một nửa. Phần của cháu bé sẽ được người giám hộ (do tòa án quyết định trong vụ kiện khác) trông giữ, khi cháu đủ 18 tuổi sẽ giao trả lại cho cháu. Luật sư NGUYỄN HOÀNG ANH, Đoàn Luật sư TP.HCM |