Bạn phải biết là ngoài những người ruột thịt là không thể lựa chọn, thì tất cả các mối quan hệ khác từ bạn bè, đối tác, đồng nghiệp đến người yêu và chồng/vợ chúng ta đều có thể chủ động kết giao hoặc từ bỏ. Cái quan trọng nhất trong những mối quan hệ đó là chúng ta phải cảm thấy hài lòng và hạnh phúc.
Trong một bộ phim cũ, chàng sinh viên bị Đoàn Thanh niên chỉ trích nặng nề vì chia tay người bạn gái lâu năm. Anh ta chỉ nói một câu giản dị: “Nếu cảm thấy tình yêu không còn thì các bạn có duy trì mối quan hệ đó không? Nếu có, mối quan hệ đó sẽ đem đến hạnh phúc cho ai?”
Tình yêu là chuyện hai người, nếu một người không còn hạnh phúc thì người kia chắc chắn cũng vậy. Thế nhưng, đôi khi chúng ta ngộ nhận để kéo theo những níu kéo sai lầm và vô lý.
Tiếc nuối thời gian
Hai bạn đã ở bên nhau 5 năm, 10 năm thậm chí hơn như thế và bạn thấy tiếc số “ngày công” của mình.
Tất nhiên, thời gian là một khoản đầu tư mọi mối quan hệ lấy đi của chúng ta mà không trả lại. Bù lại, nó cho chúng ta trải nghiệm và cả kinh nghiệm để thu được kết quả tốt hơn trong các mối quan hệ khác. Càng sốt ruột về quỹ thời gian của mình, bạn càng phải nhanh chóng gạt bỏ những mối quan hệ không khiến bạn vui vẻ, hạnh phúc.
Hối tiếc thực sự là khi 40, 50 tuổi, bạn nhận ra là mình đã già và trước đó bạn dành khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của mình để ở bên một người mà bạn không muốn.
Lo sợ về giá trị bản thân
Bạn sợ cuộc sống của mình sẽ rắc rối nếu không có ai trợ giúp. Thực tế, chúng ta không được sinh ra cùng nhau, chúng ta hoàn toàn có thể tồn tại nếu không có người khác bên cạnh. Đó là yếu tố vô cùng tự nhiên để bạn có những ngày dành riêng cho mình.
Trong kỳ nghỉ lễ, chuyện bạn không có ai để gọi đi xem phim, uống café không nói lên điều gì về giá trị của bạn cao hay thấp.
Đôi khi sợ buông tay chỉ vì nghĩ rằng sẽ không tìm được ai giống như thế nữa. “Giống như thế” có nghĩa là khiến bạn không vui, không hài lòng sao? Bạn muốn yên ổn trong sự buồn bực hay thách thức mình đi tìm niềm vui ở nơi khác? Đó là quyền của bạn.
Tôi không phải cô đơn
Nếu bạn tưởng là có một người để cặp kè, bạn sẽ đỡ cô đơn thì không phải vậy. Một mình và cô đơn là hai trạng thái khác nhau. Người ta nói “thà ở một mình còn tốt hơn ngồi cạnh bên một người yêu và cảm thấy cô đơn”.
Nếu biết tự yêu thương mình, hoạch định được những việc làm có ích thì một mình càng khiến bạn dễ dàng đạt được các mục tiêu cho bản thân. Khi được làm điều mình yêu thích, không ai cảm thấy cô đơn cả. Ngược lại, nếu không thể chia sẻ hay yêu thương thực sự, việc cặp kè chỉ mang đến phiền toái, mất thời gian.
Mong muốn bù đắp
Đây là tâm lý thường gặp ở cả nam và nữ. Một thiếu sót gì đó trong quá khứ, một lần làm tổn thương …có thể khiến chúng ta ray rứt nếu có một quyết định dứt khoát lần nữa trong hiện tại.
Nhưng bạn không thể “nói” với bản thân mình là “tôi còn yêu cô ấy” trong khi thực tế tình yêu trong bạn chỉ còn rất nhợt nhạt. Cố yêu, bạn chỉ làm tổn thương thêm người đó vì sự lạnh nhạt, thiếu nhiệt tình của bạn. Người đó sẽ cảm nhận ngày càng rõ hơn khoảng cách giữa hai người, sự căng thẳng lên cao sẽ càng khiến thời điểm chia tay (chắc chắn sẽ đến) trở nên xấu xí hơn.
Có quá nhiều cái chung
Các bạn đã chung tiền mua xe, mua nhà thậm chí là hùn vốn mở công ty để làm ăn. Tất nhiên sự việc này khá phức tạp nhưng đã là những thứ hiện hữu như thế, hay gọi trần trụi hơn là vật chất, đều có thể phân chia.
Muốn kể chuyện công chúa ếch
Dùng tình cảm để thay đổi bản chất của một con người là suy nghĩ sai lầm căn bản mà hầu như ai cũng mắc phải. Sự thật là quá trình yêu nhau cũng là khoảng thời gian “dạy” cho nhau những điều cần thiết để đôi bên trở nên hòa hợp. Nhưng có những điều là bất biến, và nếu bạn không thể chấp nhận nó thì nên nghiêm túc tính đến chuyện từ bỏ. Đừng hi vọng hão huyền rằng sẽ chỉnh sửa được người kia.