Nghị định 115/2018 /NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chính thức có hiệu lực đã gần ba tháng. Nghị định này đã thay đổi nhiều điểm mới đồng thời tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm ATTP.
Như tại khoản 1, điều 16 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Ngoài ra hành vi không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập cũng bị mức phạt tương ứng.
Tay không tiếp xúc với thực phẩm chín diễn ra khá phổ biến tại các quầy hàng rong hoặc quầy hàng vỉa hè. Ảnh: Thu Hà
Tuy nhiên, tình trạng chế biến kém vệ sinh, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn chín như người bán bánh mì, bún, phở… vẫn diễn ra. Theo đó những vụ ngộ độc bánh mì do thức ăn nhiễm salmonella hoặc ecoli, tụ cầu vàng….gần đây đều liên quan tới việc không đảm bảo an toàn trong khâu sơ chế và chế biến thực phẩm.
Như cuối tháng 10 vừa qua, 55 người phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bánh mì chà bông gà nghi nhiễm tụ cầu tại TP.HCM. Tiếp đó vào đầu tháng 12, hơn 200 bệnh nhân tại Đăk Lăk bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì. Theo đó các mẫu thịt heo, giò chả, nước sốt, bơ, hành phi… làm nhân bánh mì đều nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Một người bán hàng rong trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3, TP.HCM) nói: “Tôi chỉ bán hàng rong kiếm sống qua ngày, chữ nghĩa ít, có biết quy định gì đâu, cũng không ai bảo học hay chỉ dạy gì cả”.
Chị Hạnh, một người bán bánh mì dạo trên đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM cũng bày tỏ: “Tôi không biết đến nghị định nhưng tôi vẫn biết cần đảm bảo an toàn khi chế biến cho khách. Lâu nay mọi người vẫn ăn ở quầy của tôi có ai bị gì đâu”.
Khi biết về các mức phạt, chị Hạnh tỏ ra lo ngại khi chỉ cần bất cẩn thì số tiền phạt có thể khiến chị lỗ vốn.
Trên thực tế, việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định mang lại hiệu quả rõ rệt. Thế nhưng khi áp dụng với những gánh hàng rong, nhất là áp dụng mức phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… lại không đơn giản. Thêm vào đó, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra... Tại các khu vực cổng trường học, hay các hàng rong bên vỉa hè, tình trạng người bán không sử dụng găng tay vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Khó quản lý hàng rong
Trước thực trạng ấy, vấn đề đặt ra là làm sao để nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP không còn là nghị định… trên giấy tờ và nhân rộng ra cả những quầy hàng rong, đảm bảo được tính an toàn trong sơ chế, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM cho hay để giải quyết vấn đề này Ban Quản lý ATTP đã tổ chức các lớp tập huấn cho Ủy ban nhân dân 24 quận/huyện, Hội Phụ nữ, các cán bộ quản lý an toàn thực phẩm.
“Nghị định 115 được ban hành quy định mức phạt cao hơn sẽ bảo đảm tính răn đe nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, Ban Quản lý ATTP cho hay.
Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP (Bộ Y tế) để đưa loại hình kinh doanh dịch vụ này vào khuôn khổ không hề đơn giản, song không vì thế mà bỏ ngỏ việc quản lý.
Cần vận động, tuyên truyền người bán hàng lẫn người tiêu dùng tẩy chay thực phẩm bẩn. Ảnh minh họa: Thu Hà
Theo ông Châu, để người dân hiểu và thực hiện các quy định về kinh doanh ATTP, trước hết cần tuyên truyền, vận động người bán hàng tuân thủ quy định, sau đó là vận động người tiêu dùng có ý thức tẩy chay thực phẩm bẩn. Song, để tránh bỏ sót trường hợp đã bị nhắc nhở lại tiếp tục vi phạm, phải không ngừng tăng cường nhân lực, thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ bảo đảm tính khả thi của quy định. Cùng với đó, phải tập huấn kiến thức ATTP, vận động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Đặc biệt với sự phối hợp của các thành viên hội liên hiệp phụ nữ, MTTQ, vận động trang bị các phương tiện như kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang cho một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố.
Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng cho hay để giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm trong những tháng cận kề tết Nguyên Đán, Ban đã tham mưu Ban Chỉ đạo Liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019 để chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành 24 quận/huyện thực hiện.
Theo đó, Ban Quản lý ATTP cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 trên địa bàn TP.HCM để chỉ đạo 12 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc Phòng Thanh tra thực hiện.