Đừng hỗ trợ doanh nghiệp kiểu 'ném đá ao bèo'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước phải sớm nghiên cứu trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 về gói cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Gói kích thích về lãi suất đừng như muối bỏ biển

Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích", ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Các ngân hàng đang lên kế hoạch gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng, quy mô tương đương hơn 100.000 tỉ đồng với lãi suất đâu đó ở mức 3 - 4%/năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: "Để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi một cách rõ nét thì một gói cấp bù lãi suất có qui mô 3.000 tỉ đồng không thấm vào đâu so với nền kinh tế như hiện tại của Việt Nam”.

Theo TS Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT), từ trước tới nay các gói hỗ trợ đều bế tắc ở chỗ doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không thể vay được do điều kiện vay vô cùng ngặt nghèo. Doanh nghiệp phải chứng minh được phương án kinh doanh có lợi nhuận để bù đắp trả lãi ngân hàng, có tài sản thế chấp…. Đó là lý do khiến có nhiều gói hỗ trợ bị “ế” vì chả ai đủ điều kiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù chính sách cấp bù lãi suất có hiệu ứng nhất định nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn, nợ xấu liên tục tăng cao. Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm: Ngân hàng không thể nào cho vay dưới chuẩn, trong khi đó hiện rất nhiều doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm, không có doanh thu… Vậy nếu muốn cho vay dưới chuẩn thì cơ quan quản lý phải nghiên cứu đưa ra cơ chế để các ngân hàng được phép “giảm tiêu chuẩn cho vay đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19” và chính sách này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.

"Vừa được hưởng chính sách, vừa được hưởng cơ chế thì doanh nghiệp mới có cơ hội được tiếp cận vốn vay mới và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi vậy, Chính phủ cần phải đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt về vấn đề này để tháo gỡ các rào cản vay vốn" - ông Hùng nhấn mạnh.

Nếu không gỡ về chính sách thì doanh nghiệp rất khó để tiếp cận vốn vay ngân hàng trong bối cảnh dòng tiền đã cạn kiệt.

Doanh nghiệp cần cách tiếp cận vốn đơn giản

Liên quan đến việc tìm nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết: Khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp hiện là vô cùng khó. Do đó, theo tôi chính sách hỗ trợ không nên phân biệt ngành nghề, phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ hay siêu nhỏ… mà họ đều phải được hưởng như nhau.

Biện pháp hỗ trợ đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Bởi nếu cứ yêu cầu phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm, không có nợ xấu… thì gần như chẳng có doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Ông Nghĩa cho rằng cần một qui mô gói tài chính lớn hơn, cách tiệp cận đơn giản hơn và không phân biệt đối tượng được hỗ trợ. Muốn vậy, cần tạo ra khung pháp lý để cho các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn (doanh thu giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản bảo đảm) thì cần phải có một qui chế đặt biệt dùng cho gói hỗ trợ này để không ảnh hưởng gì đến Luật tổ chức tín dụng. Sau khi doanh nghiệp phục hồi rồi thì qui chế đặc biệt này cũng hết hiệu lực.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Cần thực hiện gói kích thích về lãi suất có quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Phải làm 2 thứ cùng một lúc. Thứ nhất là kết hợp giữa việc dùng chính sách tiền tệ của NHTW để giảm lãi suất chung trên toàn bộ hệ thống ngân hàng, cộng với biện pháp hỗ trợ lãi suất từ gói cấp bù lãi suất thì mới tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất  tương đối rõ rệt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai là về nguồn lực, thì phía Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng Trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Đến nay, các ngân hàng đã dành khoảng 26.000 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Quan điểm của NHNN là cần thiết phải có các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất.

Song từ những kinh nghiệm trong giai đoạn 2010-2011 khi mà lạm phát lên đến 2 con số nên thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải tính toán đến việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Bởi nếu không sẽ gây phản ứng ngược cho nền kinh tế.

Đứng từ phía góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng: "Đến bây giờ, trong số 16 ngân hàng cam kết thì chỉ 4 ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Còn các ngân hàng thương mại làm rất chậm việc giảm lãi so với 4 ngân hàng nhà nước. Bởi vì trong bối cảnh này, lường trước khó khăn nên các ngân hàng đều bảo vệ quyền lợi của họ.

Ngân hàng cứ nói lợi nhuận tăng cao, thì cũng nên chia sẻ mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh này, hãy chọn cái gì tốt nhất cho doanh nghiệp chứ đừng chọn cái an toàn cho mình". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm