Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho hay Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành hạn cuối 20-4 phải báo cáo về tình hình giải quyết các kiến nghị của DN liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách, quản lý. Vậy nhưng đến buổi họp báo ngày 22-4, mới chỉ có năm nơi báo cáo về: Lào Cai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Cũng theo ông Hà, ngay như Nghị quyết 19 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh ban hành từ năm 2014 nhưng tới mỗi kỳ báo cáo kết quả thực hiện, chỉ một vài bộ, ngành, địa phương là đúng hạn.
Trước thực trạng nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, ông Hà cho rằng người dân, cộng đồng DN và cả báo chí hãy giám sát chặt chẽ, sử dụng lá phiếu ngay trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp tới đây gây sức ép tới các bộ trưởng, người đứng đầu các tỉnh, thành.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết sẽ cải tiến ngay hình thức, nội dung Hội nghị Thủ tướng - DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với VCCI - Bộ KH&ĐT là tổ chức hội nghị dưới hình thức trực tuyến tới tất cả tỉnh, thành. Như vậy, tác động lan tỏa sẽ không nằm trong Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, nơi có mặt 300 đại diện DN ở các quy mô khác nhau, hơn 100 quan chức các bộ, ngành.
Nội dung của cuộc gặp, ông Lộc cho hay là không chỉ là lắng nghe các doanh nhân than phiền về những thủ tục phiền hà, những giấy phép con, cơ chế “xin-cho”, chi phí không chính thức. Lần này hai trung tâm kinh tế là Hà Nội, TP.HCM sẽ phải có mặt, ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Cam kết sẽ chặt chẽ với các tiêu chí, định lượng rõ ràng, có cơ sở để đánh giá hiệu quả thực tế sau này.
Đáng chú ý, theo ông Lộc, “sản phẩm” được kỳ vọng từ hội nghị là nghị quyết của Chính phủ về DN. Nghị quyết sẽ chia các vấn đề của DN theo nhóm lĩnh vực, từ thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thủ tục xây dựng, đầu tư, chi phí không chính thức… DN có thể tham gia xây dựng cho dự thảo này để Chính phủ ngay trong phiên họp tiếp theo, cuối tháng 5, ban hành, triển khai luôn.
“Nhưng nghị quyết mới này hiệu lực rồi sẽ ra sao khi mà Chính phủ trước đó với Nghị quyết 19 vẫn chưa lan tỏa được tinh thần cải cách xuống dưới?” - ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ chưa nghiêm đang cản trở việc thực thi pháp luật kinh doanh. Bởi vậy, cần phải coi cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là việc của Chính phủ, mà phải nâng lên tầm của Quốc hội. “Phải là nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, do Quốc hội ban hành, cho cả nhiệm kỳ chứ không chỉ năm một như Chính phủ đang làm. Rồi HĐND địa phương cũng làm như vậy. Thế mới kéo cả hệ thống các cơ quan nhà nước vào cuộc, có kiểm tra, có giám sát, tạo chuyển biến thực sự” - ông Lộc nói.