Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu nhưng giá cà phê Việt lại phụ thuộc vào sàn ở London

(PLO)- Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhanh chóng xây dựng sàn giao dịch nông sản riêng biệt nhằm giải quyết bài toán được mùa mất giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2023 giá trị giao dịch trung bình của hàng hóa trên sàn đạt 4.000 tỉ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục gần 10.000 tỷ đồng.

Số lượng đơn vị tham gia hơn 30.000 tài khoản, tăng 20% so với năm 2022. Hiện, sàn niêm yết 45 sản phẩm giao dịch liên thông với thế giới chia làm 4 nhóm: nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.

Dù vậy, theo các chuyên gia, kết quả này được cho là còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam.

Đẩy mạnh sàn giao dịch cho cà phê rubusta

Tại hội thảo "Mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa- giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận" do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức chiều 12-1 ở TP.HCM, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhìn nhận: Dù có nhiều kết quả tốt nhưng MXV chưa thực sự là sở giao dịch hoàn chỉnh như các nước trong khu vực. Điều này cũng cản trợ thế mạnh của Sở trong việc phát triển nông nghiệp nước nhà.

"Hiện MXV chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài. MXV cũng chưa có sản phẩm nội địa nào được niêm yết. Trong khi Việt Nam có lợi thế mạnh về cà phê robusta, tiêu, gạo, thủy sản... nhưng nông dân, công ty chế biến luôn bất lợi về giá, điều này là do chúng ta thiếu sàn giao dịch.

Đơn cử như cà phê robusta, chúng ta đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê với hơn 1,78 triệu tấn, trong đó robusta chiếm 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên giá cả lại bị phụ thuộc vào sàn Liffe London (Anh), dù nơi đây không trồng cà phê nhưng lại quyết định giá tham chiếu cho thị trường"- ông Hiển nói.

Chính vì thế, TS Hiển cho rằng, cần thiết phải có sàn giao dịch hàng hóa (GDHH) nông sản riêng biệt để phát triển nông nghiệp, giải quyết bài toán được mùa mất giá, thu hẹp khoảng cách nông sản thế giới... Cà phê robusta nên là sản phẩm triển khai đầu tiên.

sàn giao dịch
Cần xây dựng sàn giao dịch hàng hóa nông sản riêng biệt. Ảnh minh họa: THU HÀ

Về phía MXV, đơn vị này cho biết từ năm 2023, MXV đã tập trung nghiên cứu và tạo nền móng xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt đối với các sản phẩm thế mạnh Việt Nam.

Dự kiến trong năm 2024, các Sàn Giao dịch cao su và Sàn Giao dịch thịt heo TP.HCM sẽ bước đầu đi vào hoạt động. Các Sàn Giao dịch cà phê và tín chỉ carbon dự kiến sẽ vận hành vào năm 2025.

Cũng theo MXV, trong năm 2024, đơn vị này sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng để xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Làm gì để sàn giao dịch hàng hoá nông sản phát triển?

TS Đinh Thế Hiển cũng cho biết, trước đây Việt Nam đã thành lập nhiều sàn giao dịch ngay nhưng không thành công, một số sàn thì làm việc không hiệu quả.

Do đó để sàn GDHH nông sản được phát triển thì cần phải đặt ở trung tâm tài chính quốc gia như Hà Nội và TP.HCM để thu hút lượng đầu tư tài chính trong nước và quốc tế.

Đồng thời cần có trung tâm giao nhận hàng hóa như tổng kho, kho ngoại quan, hệ thống giao nhận tập trung trực thuộc Sở GDHH, hoặc đối tác để đáp ứng giao nhận nông sản tiêu chuẩn cho khách hàng.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam khuyến nghị người tham gia kinh doanh trên các sàn GDHH cần phải có kiến thức, được đào tạo chuyên nghiệp trước khi gia nhập thị trường giao dịch, nhất là thị trường giao dịch quốc tế.

sàn giao dịch
Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ

Theo ông Tự, hiện nay, các sàn GDHH đa phần là giao dịch hợp đồng tương lai nên cần phải hiểu rõ xu hướng cung cầu hàng hóa.

Ông lấy ví dụ, với cà phê rubusta, ở Luân Đôn và New York hiện nay chỉ 5% là giao dịch hàng thật trong khi đó 99,5% là giao dịch giấy tờ đến từ nhà đầu tư tài chính.

"Chưa kể, giá cả thị trường không chỉ bị chi phối bởi cung - cầu mà còn là yếu tố đầu cơ"- ông Tự nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm