Dương Chí Dũng phủ nhận tham ô 10 tỉ đồng

Ngày 12-12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). 10 bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản. Trong đó, bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Bộ GTVT) được xác định là bị cáo đầu vụ.

“Không cố ý làm trái, chỉ thiếu… sâu sát” (!)

Theo cáo trạng, trong khi dự án chưa được bổ sung vào quy hoạch và Thủ tướng chưa phê duyệt đầu tư, bị cáo Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó có hạng mục lắp một ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn.

Tại tòa, bị cáo Dũng khai thời điểm đó không biết làm vậy là sai, vì dự án dự kiến triển khai bằng vốn vay ngân hàng nên bị cáo Dũng cho rằng thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án thuộc HĐQT.

Liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, Dũng khẳng định mình hoàn toàn không chỉ đạo việc này dưới bất kỳ hình thức gì, vì thẩm quyền thuộc tổng giám đốc khi đó là Mai Văn Phúc. Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân giữa Dũng và Phúc không tốt nên Dũng cũng không muốn can thiệp.

Dương Chí Dũng phủ nhận tham ô 10 tỉ đồng ảnh 1

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và chín bị cáo đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN

bị cáo Dũng khai vì nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển nên không bị giới hạn về độ tuổi. Từ đó, bị cáo phê duyệt cho mua ụ nổi 83M dù biết ụ nổi này đã 43 tuổi, không đủ điều kiện hoạt động do hư hỏng một số hạng mục. Tuy nhiên, bị cáo Dũng chỉ là người ký duyệt, còn chủ trương đã được 100% các thành viên HĐQT thống nhất với đề nghị của tổng giám đốc.

Chủ tọa hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo Dũng chỉ nhận lỗi đã không tìm hiểu, hỏi sâu về việc mua ụ nổi này và tự nhận mình là không sâu sát, không kiểm tra, vô trách nhiệm.

Trong khi đó, bị cáo Mai Văn Phúc khai do mới nhận chức nên bị cáo hoàn toàn dựa vào tham mưu của các ban của tổng công ty. Việc mua ụ nổi, bị cáo Phúc đã giao hết cho Trần Hữu Chiều, khi đó là phó tổng giám đốc kiêm trưởng ban quản lý dự án. Phúc ký tờ trình HĐQT phê duyệt trên cơ sở tờ trình này đã có hơn chục chữ ký của các ban tham mưu, đặc biệt có chữ ký của Chiều.

Chủ tọa hỏi vì sao không mua ụ nổi trực tiếp từ chủ sở hữu là Công ty Nakhodka mà lại mua qua trung gian là Công ty AP- Singapore (với giá 9 triệu USD, trong khi AP mua lại ụ nổi M83 của Nakhodka chỉ với giá 2,3 triệu USD - PV)? bị cáo Phúc khai: “Khi đoàn đàm phán về tôi hỏi có đàm phán được với chủ sở hữu không thì anh em trả lời Công ty Nakhodka từ chối không đàm phán với chúng ta vì họ đã ủy quyền cho AP. Các anh ấy còn thuyết phục tôi tình hình ở Nga đang rất lộn xộn, công nhân nhà máy đang biểu tình nên để bảo đảm an toàn thì phải mua của AP”. bị cáo Phúc còn khai mọi người đã cố thuyết phục ông ta rằng chỉ có ụ nổi M83 mới đáp ứng được tất cả yêu cầu của tổng công ty.

Mua nhà cho bồ bằng tiền của vợ (?!)

Cuối giờ chiều, HĐXX tập trung xét hỏi về hành vi tham ô 1,666 triệu USD của Dương Chí Dũng và bộ sậu. Tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) đều khai mình nhận được thông báo của ông Goh Hoon Seow về số tiền lại quả 1,666 triệu USD sau khi thương vụ mua ụ nổi hoàn tất. Sơn báo lại với Dũng, Dũng xác nhận và chỉ đạo “chia theo tỉ lệ 10 tỉ đồng cho anh, 10 tỉ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.

Sau đó, bị cáo Sơn đã lập hợp đồng khống liên danh giữa Công ty AP và Công ty Phú Hà (của em gái bị cáo Sơn) để hợp thức hóa khoản tiền này. Số tiền nói trên, sau khi đưa cho bị cáo Dũng và bị cáo Phúc theo chỉ đạo, bị cáo Sơn đưa cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, cho em gái 2 tỉ đồng, số tiền 5,8 tỉ đồng còn lại bị cáo Sơn bỏ túi.

“Bị cáo là lãnh đạo, anh em cấp dưới nói bị cáo tranh luận lại không hay nhưng bị cáo khẳng định không chỉ đạo việc mua ụ nổi chứ đừng nói tới chuyện tiền. Sơn khai không có chỗ nào đúng hết, những người bị cáo coi như anh em lại khai như thế…” - bị cáo Dũng nói. “Tội cố ý làm trái thì bị cáo nhận nhưng tội tham ô thì không có. Nếu bị cáo nói chia cho Phúc 10 tỉ đồng thì khác nào đập vào mặt mình. Nếu chỉ đạo chia chác thì Chiều mới thân thiết với bị cáo. Bị cáo cũng thương cô Loan (nguyên trưởng Ban Tài chính - Kế toán, cũng là bị cáo trong vụ này) vì chồng chết, bản thân bị ung thư… chứ còn lâu mới đến ông kia (chỉ Phúc - PV)” - bị cáo Dũng khai thêm.

Cũng tại tòa, bị cáo Dũng khai đã lấy hơn 10 tỉ đồng của vợ đưa cho Thảo (người đã có con chung với Dũng) mua hai căn hộ cao cấp ở 88 Láng Hạ và tòa nhà Pacific (Lý Thường Kiệt). Hai căn nhà này đều đứng tên Thảo vì bị cáo Dũng có ý cho cô này cả hai căn nhà đó.

“Tại sao tại cơ quan điều tra bị cáo lại khai số tiền đó do kinh doanh mà có?” - tòa vặn. Bị cáo Dũng trả lời do xấu hổ, vì chẳng ai lại khai lấy tiền của vợ để mua nhà cho… bồ.

bị cáo Dương Chí Dũng cho biết vẫn giấu vợ giấu con chuyện có quan hệ với Thảo nhưng khi cha bị bệnh nặng thì có đưa Thảo đến...

Hạn chế trong phiên tòa công khai

Trong ngày 12-12, nguyên một đoạn đường Hai Bà Trưng trước cổng trụ sở TAND TP Hà Nội bị chăng dây. Mọi hoạt động trên đoạn đường này đều bị hạn chế khi diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm. Ở bên ngoài tòa, các bảng cấm chụp ảnh, khu vực cấm... được đặt khắp nơi. Tất cả phương tiện đều không được dừng đỗ tại khu vực trước cổng tòa. Thậm chí những người đứng vãn cảnh trước khu vực này cũng đều bị công an hỏi và yêu cầu đi chỗ khác.

Các phóng viên phải làm thủ tục đăng ký trước để được cấp thẻ dự phiên tòa. Tuy nhiên, sáng 12-12, khi các phóng viên có mặt thì phải nộp lại công cụ tác nghiệp như máy tính, máy ảnh, máy ghi âm, chỉ được mang theo giấy, bút và được bố trí một phòng riêng theo dõi phiên xử qua màn hình tivi.

NGUYỄN DÂN

“Tôi là cán bộ lãnh đạo mà còn thế này…”

Tại tòa, các bị cáo Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam), Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) đều cho rằng mình bị oan. Rằng tại cơ quan điều tra, điều tra viên đã viết sẵn câu trả lời bắt họ ký nhận. Vì bị chuyển trại giam, sống quá cực khổ nên các bị cáo này đều ký nhận để được trở về trại giam T16.

Bị cáo Dương Chí Dũng thì nói điều tra viên đã ghi không đúng, không hết, làm sai lệch nội dung trả lời của bị cáo. Bị cáo đã nhiều lần viết đơn phản ánh việc này. “Tôi không bị ép cung hay hành hạ gì nhưng lời khai tại cơ quan điều tra công bố trong các bút lục là không đúng”. Khi chủ tọa hỏi không đúng sao vẫn ký nhận, Dũng đáp: “Thế mới phải cải cách. Tôi là cán bộ lãnh đạo mà còn thế này…”.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm