Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt không chuẩn bị sẽ ‘thua trên sân nhà’

(PLO)- Đường sắt cao tốc Bắc - Nam tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nhưng cũng đầy khó khăn khi phải đầu tư công nghệ và đào tạo con người.

“Theo ước tính của tư vấn, việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỉ USD. Trong bối cảnh chúng ta làm chủ về nguồn vốn, không phụ thuộc vào nước ngoài, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước…”.

Ông Vũ Hồng phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), khẳng định như trên tại tọa đàm về những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt khi làm đường sắt cao tốc, do báo Giao thông tổ chức sáng 19-11.

Cũng theo ông Phương, quan điểm của nước ta khi làm dự án trên là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước ở tất cả lĩnh vực từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có lộ trình chuẩn bị cho việc tham gia vào dự án. “Bởi chúng ta đã làm được cầu hầm đường bộ, nhưng cầu và hầm đường sắt cao tốc yêu cầu kỹ thuật cao hơn…”- Giám đốc ban Quản lý dự án đường sắt nói.

Phân tích rõ hơn về sự khác biệt trên, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), cho biết việc thi công cầu, hầm đường bộ được phép sai số ở một mức độ nhất định, nhưng đường sắt cao tốc độ chính xác gần như tuyệt đối. Điều này cũng dễ hiểu khi đường bộ cao tốc khai thác 120km/h, còn đường sắt cao tốc chạy với vận tốc 350km/h.

“Đoàn tàu hình viên đạn có tốc độ lớn khi vào hầm sẽ tạo áp lực lớn từ tàu lên hầm và từ vỏ hầm trở lại kết cấu, đòi hỏi sự tính toán tương tác động lực giữa đoàn tàu và vỏ hầm. Song song đó, hầm cần tính toán để không khí thoát đều, nếu không khi đoàn tàu ra khỏi hầm sẽ tạo ra tiếng nổ rất lớn… Tức là hầm đường sắt cao tốc sẽ thiết kế đặc biệt hơn đường bộ”- ông Vinh dẫn chứng.

Các đại biểu tham gia buổi toạ đàm đều khẳng định doanh nghiệp trong nước đủ khả năng làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Từ những vấn đề trên, Tổng giám đốc TEDI nhấn mạnh việc thi công dự án không được phép sai sót, chủ quan sẽ gánh hậu quả ngay. Nên dự án cần đề cao ý thức của con người trong việc kiểm soát chất lượng.

“Tại Đức họ chỉ có một sơ suất nhỏ trong kiểm soát không tốt giá chuyển hướng tàu mà dẫn đến tai nạn khủng khiếp”- ông Vinh nêu thêm dẫn chứng.

Với khó khăn như vậy, ông Vinh và nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng vẫn khẳng định doanh nghiệp trong nước đủ khả năng đáp ứng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam còn ví dự án là một cuộc cách mạng làm “thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng”. Đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ.

Ông nói trước đây cầu dây văng phải thuê nước ngoài từ thiết kế đến thi công, nhưng nay trong nước đã làm được. Tất nhiên độ chính xác của dự án tàu đường sắt cao tốc đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm đương tốt.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ lo lắng khi Luật Đấu thầu đang quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phải đảm bảo: Từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Trong khi đó, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp trong nước khó tham gia đấu thầu.

Thêm vào đó, nhân lực thi công trực tiếp dự án rất đáng lo. Các dự án xây dựng hiện nay vẫn thiếu đội ngũ này và chất lượng đội ngũ đang có vấn đề: “Công nhân trên công trường giờ toàn đến từ các dân tộc miền núi, ít thấy xuất thân từ miền xuôi..”- ông Hiệp nêu vấn đề.

Thừa nhận thực tế này, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), cho rằng nếu dự án được thông qua, hai năm nữa khởi công, trong khi đó đào tạo một kỹ sư cần 4-5 năm và thêm 3 năm thực hành. Như vậy, cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo chỉ dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới.

Còn về các nhà thầu, ông nói không nên tham vọng tham gia toàn tuyến, cần tập trung vào thế mạnh của mình để đầu tư chuẩn bị, đi tắt đón đầu và tạo nên sự đồng nhất, đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia, công tác chuẩn bị cũng như doanh nghiệp phụ trợ.

Doanh nghiệp Việt thiếu liên kết

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng điểm yếu nhất của các doanh nghiệp trong nước là tính liên kết kém.

"Nếu ta không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mở ra sẽ rất khó thắng, tức ta sẽ thua trên chính sân nhà..."- ông Kiên cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới