Các nữ tiếp viên đường sắt tại ga Bắc Kinh trước giờ lên tàu hôm 26/12. Ảnh: AFP
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghề và Kỹ thuật Đường sắt Trịnh Châu, Hà Nam với tấm bằng loại ưu, Luo Fengguang bắt đầu làm việc tại bộ phận xe lửa của Văn phòng Đường sắt thành phố Trịnh Châu với tư cách thanh tra bảo trì chất lượng.
Có được công việc mơ ước với mức lương ổn định, nhưng chỉ mình Luo hiểu được những khó khăn trong nghề mà anh đang phải trải qua. Chỉ trong 6 tháng đầu tiên, Luo phải ghi nhớ tất cả các chi tiết kỹ thuật của những đoàn tàu thuộc thế thống Đường sắt Cao tốc Trung Quốc, thậm chí cả kích thước và vị trí của những chiếc đinh ốc siêu nhỏ.
Tự gọi mình là "một chuyên gia từ trong trứng", Luo đã nghiên cứu tất cả những công cụ và máy móc mới nhất trong hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc. Năm 2010, anh đã về thứ ba trong cuộc thi tuyển chọn chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực đường sắt ở cấp quốc gia, và sau một loạt các khóa đào tạo nghiêm ngặt, Luo đã được Bộ Đường sắt cấp chứng nhận thanh tra bảo trì chất lượng.
Hiện tại, Luo đang giám sát hoạt động của tuyến đường sắt cao tốc từ Trịnh Châu tới Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tuyến tàu này được đưa vào sử dụng từ hôm 28/9 và chạy liên tục tới 23 giờ mỗi ngày.
Do đặc thù công việc, nên cứ ba ngày đồng hồ sinh học của chàng trai 24 tuổi này lại thay đổi một lần. Mỗi khi ca trực đêm kết thúc vào lúc 6 giờ sáng, Luo lại phải cố gắng hoàn thành bữa ăn thật nhanh để tranh thủ nghỉ ngơi.
"Nếu không cố ngủ trước giờ bắt đầu ca đêm, đầu óc bạn sẽ quay cuồng và không thể tập trung làm việc sau 24 giờ. Cảm giác giống như bị say rượu", Luo, người thường xuyên bị mất ngủ cho tới 3 giờ sáng, nói. "Nhưng việc ngủ trưa thường rất khó khăn."
Tuy nhiên, sau 4 năm gắn bó với Cục Đường sắt Trịnh Châu, Luo đã có thể thích nghi với lịch làm việc và hạn chế những cơn đau đầu do thiếu ngủ.
Cùng với các đồng nghiệp, Luo được giao nhiệm vụ kiểm tra an toàn lần cuối cho các đoàn tàu để đảm bảo rằng chúng có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Hồi tháng 6, Bộ Đường sắt đã xây dựng một xưởng sửa chữa, nơi làm nhiệm vụ bảo trì cho các đoàn tàu trên tuyến Bắc Kinh - Trịnh Châu. Hiện tại, Luo là một trong 390 kỹ thuật viên chuyên nghiệp đang làm việc tại đây.
Cứ 7 giờ tối, các kỹ thuật viên lại bắt đầu công việc kiểm tra từng đoàn tàu. Khi công việc hoàn thành cũng là lúc chúng được đưa vào phụ vụ ở ga Tàu Trịnh Châu.
Là một thanh tra bảo trì chất lượng, ngoài công việc nói trên, Luo còn có nhiệm vụ rà soát lại mọi băng ghi hình nếu phát hiện có bộ phận nào đó của đoàn tàu gặp trục trặc. Sau khi đảm bảo rằng việc thay thế và sửa chữa đã được thực hiện một cách chính xác, Luo và các kỹ sư sẽ cùng ký vào một biên bản an toàn, trước khi gửi nó lên bộ.
Tất cả các đoàn tàu cao tốc đều được đưa tới xưởng sau khi chạy đủ 4.000 km hoặc đã phục vụ liên tục 48 giờ.
“Sau khi được chuyển tới xưởng, các kỹ sư sẽ kiểm tra những đoàn tàu từ trên xuống dưới, từ những bánh xe, mạch điện cho tới các thiết bị cao áp. Mỗi đoàn tàu được kiểm tra bởi một nhóm 14 người, và việc sửa chữa sẽ được hoàn thành trong 2 tiếng 35 phút”, Ma Tao, phó giám đốc của xưởng, nói.
Riêng 16 chiếc bánh sẽ được kiểm tra trong 30 phút. Nếu chúng gặp trục trặc, các kỹ sư chỉ được phép can thiệp sau khi nhận được sự đồng ý từ các thanh tra kiểm soát chất lượng. Luo cho biết, đêm ngày 20/12, anh và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một liên kết nối những bánh xe bị vỡ. Việc sửa chữa chỉ được tiến hành sau khi thanh tra kiểm soát của xưởng tới xem xét vấn đề và đồng ý thay thế bộ phận hoảng hóc. Toàn bộ quá trình này được ghi lại bằng camera và các bộ phận bị tháo rời đều được giữ lại để tái chế.
“Thường thì những chi tiết nhỏ sẽ dễ bị hỏng hơn. Các bánh xe với đường kính 86 cm có thể được sử dụng ít nhất 6 tháng, và chúng sẽ được thay thế khi đường kính giảm xuống chỉ còn 79 cm”, Luo nói.
Một tiếp viên trên tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh Quảng Châu. Ảnh: AFP
Kỹ sư Cai Quan, một đồng nghiệp của Luo, cho biết anh đã đi bộ ít nhất 15 km mỗi đêm để sửa chữa các đoàn tàu. “Bà xã phàn nàn rằng mấy đôi giày của tôi nhanh hỏng hơn giày của nhà hàng xóm”, anh nói. “Nhưng đó là công việc của tôi.”
Hơn 100 chiếc camera được đặt ở mỗi xưởng bảo trì để theo dõi hoạt động sửa chữa. Một ca làm việc bắt đầu khi các kỹ sư quẹt tấm thẻ chấm công của họ ở lối vào, nơi dán dòng chữ “Không khoan dung trước các trục trặc kỹ thuật”. Sau đó, mọi hành động của họ tại nơi làm việc đều được các camera kết nối với một màn hình lớn ở trung tâm điều hành, ghi lại. Những đoạn video này sẽ là manh mối điều tra quan trọng trong trường hợp có tai nạn xảy ra.
Hệ thống đường sắt của Trung Quốc thường xuyên được nâng cấp thiết bị và những công nghệ mới. Lãnh đạo Ga Đông Trịnh Châu mới đây đã giới thiệu một hệ thống xác nhận vé tàu cao tốc qua chứng minh thư mới, thứ thậm chí có thể cho hành khách lên tàu ngay cả khi họ đã làm mất vé.
Trên tầng 5 của một tòa nhà kế cạnh Ga Trịnh Châu, các tài xế trẻ được thực hành lái tàu trên một hệ thống mô phỏng các tuyến đường sắt. Phần mềm này cho phép họ thử nghiệm công việc trên nhiều hành trình ảo, và các tài xế sẽ học được cách ứng biến thích hợp khi bảng điều khiển đổi màu.
Guo Xiansheng, 33 tuổi, người hiện là tài xế trên chuyến tàu Trịnh Châu - Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, cho biết hệ thống này đã giúp anh làm việc theo các quy trình vận hành tiêu chuẩn.
"Các đoàn tàu ở Trung Quốc đã trải qua 6 lần tăng tốc độ, trong khi những thiết bị thì được nâng cấp ồ ạt. An toàn vẫn là vấn đề được chú trọng bậc nhất, và dù có vấn đề gì xảy ra, thì con người vẫn là thành phần thiết yếu, đặc biệt là những tài xế", Li Zhenxiu, chủ tịch công đoàn của Xưởng bảo trì thuộc Cục Đường sắt Trịnh Châu, nói.
"Các tài xế phải hiểu biết đầy đủ về cách sử dụng những thiết bị mới một cách an toàn, nhằm hạn chế tối đa tai nạn. Những bi kịch xảy ra vì chúng tôi không nhận thức đầy đủ về cách kiểm soát các máy móc và quản lý kỹ thuật", ông nói.
Các cục đường sắt địa phương vẫn được phép tự tuyển nhân viên lái tàu cho tới năm 2006, sau đó khi Bộ Đường sắt quyết định trực tiếp làm việc này.
Theo đó, chỉ 1.000 trong số 120.000 nhân viên ở cục Trịnh Châu là đạt yêu cầu của bộ. Đó là những người đã lái 500.000 km mà không gây ra tai nạn và chưa tới 40 tuổi. Sau đó, chỉ có 50 ứng viên vượt qua được hai vòng kiểm tra lý thuyết và thực hành ở Trịnh Châu, và con số tiếp tục này giảm xuống chỉ còn 10 sau cuộc phỏng vấn ở bộ.
Cũng trong năm đó, thành phố Trịnh Châu đã đào tạo 90 tài xế tàu cao tốc. Kỳ đào tạo lý thuyết cho mỗi người tốn khoảng 100.000 tệ (khoảng 15.000 USD), theo ông Li. Năm 2007, Trịnh Châu tiếp tục gửi 20 tài xế tới Nhật Bản và Thụy Điển để học cao hơn.
"Tất cả các đoàn tàu đều được sử dụng tới 23 giờ và những tài xế mới phải đợi tới nửa đêm mới có thời gian để luyện tập", ông Li nói. "Họ thường có những tranh luận dữ dội trong lớp học về việc điều khiển tàu, một số thậm chí còn tức giận. Nhưng tất cả các cuộc thảo luận ấy đã giúp họ nhanh nhạy hơn trong việc xử lý mọi tình huống. Bên ngoài lớp học, họ vẫn là những người bạn tốt."
Không giống các khóa đào tạo khác, tại lớp học nghiệp vụ lái tàu, giáo viên đều cho phép các tài xế thảo luận một tiếng mỗi buổi. Mỗi người trong số họ được yêu cầu đặt ra ít nhất một câu hỏi, nếu không buổi học sẽ không thể kết thúc.
"Mỗi người phải trải qua ít nhất 6 năm đào tạo, để biến họ từ một "tân binh" trở thành các tài xế tàu cao tốc có trình độ", ông Li nói thêm.
Để đảm bảo rằng các tài xế đều hiểu rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu của họ, Li và nhóm của ông đã tổ chức 50 chương trình khẩn cấp để đào tạo những người mới. Mỗi tài xế được yêu cầu quan sát các nhân viên chính thức lái 1.000 km trước khi được phép tập lái 3.000 km. Trong các giờ luyện tập, mỗi học viên đều phải thực hiện 6 chuyến đi mỗi ngày, từ Trịnh Châu tới Thương Khâu trong một hành trình dài 220 km.
"Các tài xế không được phép lái liên tục hơn 4 tiếng và sẽ được đổi ca ở Vũ Hán. Bằng cách này, họ sẽ có thể tập trung toàn lực cho công việc và giảm thiểu rủi ro khi làm việc", Li nói.
Theo Quỳnh Hoa (VNE / Asia News Network)