Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ: Đề xuất kết nối các cửa khẩu

(PLO)- Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ góp phần đa dạng hóa các phương thức vận tải, vận chuyển hàng hóa của ĐBSCL.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, bên lề hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về các dự án kết nối liên tỉnh. Trong đó, nhiều tỉnh đề xuất kéo dài thêm chiều dài tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Ba dự án quan trọng kết nối TP.HCM với ĐBSCL

Dự án thứ nhất là tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, có tổng chiều dài hơn 175 km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỉ đồng. Điểm đầu tại ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Dự án đi qua sáu tỉnh, TP gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ và Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các địa phương liên quan để hoàn thiện báo cáo. Dự kiến trong năm 2025 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030, xây dựng hoàn thành trước năm 2035.

Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua sáu tỉnh, thành: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Bản đồ: Sở GTVT TP.HCM

Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua sáu tỉnh, thành: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Bản đồ: Sở GTVT TP.HCM

Thứ hai là tuyến đường bộ ven biển phía Nam. Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển năm 2010 đến nay, hầu như tuyến đường ven biển không được đầu tư, nâng cấp. Các đoạn tuyến hiện hữu còn rời rạc, thiếu liên kết nên chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế địa phương.

Theo nghiên cứu đề xuất, dự án tuyến đường bộ ven biển phía Nam dự kiến có điểm đầu tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), điểm cuối tại mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Dự án có tổng chiều dài khoảng 185 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, với bốn làn xe, vận tốc 80 km/giờ.

Hiện nay, hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu thông thương hàng hóa. Do đó, cần thiết đề xuất tuyến đường bộ ven biển mang tính chất kết nối liên vùng. Từ đó, tạo thành hành lang kinh tế, trục động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển ĐBSCL nói chung và các tỉnh có tuyến ven biển nói riêng.

Ngoài ra, cùng với các tuyến cao tốc trục ngang như Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng..., tuyến đường bộ ven biển sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông toàn bộ khu vực phía Nam.

Về tăng cường kết nối giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ba tuyến đường thủy liên tỉnh để khai thác vận chuyển hàng hóa cũng như đẩy mạnh du lịch cho các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, tuyến 1 (TP.HCM - Cà Mau, qua kênh Xà No), tổng chiều dài khoảng 341 km. Tuyến 2 (TP.HCM - Kiên Lương, qua kênh Lấp Vò Sa Đéc), tổng chiều dài khoảng 342 km. Tuyến 3 (TP.HCM - Hà Tiên, qua Đồng Tháp Mười - Tứ Giác Long Xuyên), tổng chiều dài khoảng 288 km.

Đề xuất kéo dài đường sắt, đẩy mạnh đường thủy

Tại buổi tọa đàm, hầu hết lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh ĐBSCL bày tỏ ủng hộ và cho rằng cả ba dự án nếu hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần cho các địa phương phát triển cả về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, logistics và du lịch.

Các đại biểu đề xuất cần kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ sớm triển khai thực hiện. Cạnh đó cần mở rộng, kéo dài tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để các địa phương vùng ĐBSCL cùng nhau hưởng lợi. Các đại biểu cũng đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật quy hoạch của các tỉnh, thành để hoàn thiện hơn cho nghiên cứu và tránh trùng lặp.

“Về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, ông Trần Quốc Hợp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng đây là dự án đường sắt đầu tiên của vùng nên nhiều địa phương đang rất trông chờ.”

Về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, ông Trần Quốc Hợp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng đây là dự án đường sắt đầu tiên của vùng nên nhiều địa phương đang rất trông chờ. Tuy nhiên, lộ trình triển khai hoàn thành dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào năm 2035 là quá dài. Do đó, ông Hợp đề xuất nên tính toán đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Đồng tình, ông Đinh Văn To, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cũng cho rằng nên rút ngắn thời gian hoàn thành dự án này xuống năm 2030, đồng thời kéo dài thêm tuyến đường này kết nối với các cửa khẩu quốc tế của vùng như Tịnh Biên, Xà Xía, Khánh Bình...

Ông Đào Huy Hiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, bày tỏ sự nhất trí: “Nên kéo dài tuyến đường sắt đến các địa phương biên giới, các cửa khẩu và rút ngắn thời gian triển khai. Các tuyến đường sắt này không cần tốc độ cao, mà phải làm sao vận chuyển được hàng hóa số lượng lớn”.

Ngoài đường sắt, lãnh đạo ngành GTVT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đầu tư ba tuyến đường thủy nối từ TP.HCM đi qua các tỉnh ĐBSCL. Theo các đại biểu này, ngoài việc phát triển giao thông, tăng lưu lượng vận chuyển, vận tải, ba tuyến đường thủy còn góp phần hết sức quan trọng trong đảm bảo quốc phòng, an ninh.

“Khi làm được tuyến đường sắt, đường thủy, cùng với hệ thống các tuyến cao tốc sẽ góp phần phát triển kinh tế cho vùng, cạnh đó xóa đi điểm nghẽn về hạ tầng của ĐBSCL” - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang nói.

Ông Nguyễn Cư Trinh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, lưu ý ĐBSCL còn dư địa phát triển giao thông thủy rất lớn, đặc biệt là logistics. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cần lưu ý đến tình trạng bồi lắng ở các sông và tĩnh không một số cầu trên tuyến còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng khai thác.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở sẽ nhanh chóng tổng hợp các ý kiến, đồng thời bổ sung, cập nhật các thông tin, kiến nghị của đại biểu. Sau đó, sở sớm có văn bản báo cáo với Bộ GTVT, Chính phủ và xin ý kiến thống nhất để triển khai thực hiện. Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cam kết sẽ đồng hành, tham gia với các tỉnh, TP vùng ĐBSCL từ giai đoạn báo cáo, xin ý kiến đến khi triển khai các dự án.•

Cần đầu tư đường thủy để phát huy lợi thế lớn của ĐBSCL

Hệ thống đường bộ hiện đã được Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Do đó, cần nghiên cứu đề xuất đầu tư cho tuyến đường thủy - một trong những lợi thế lớn của ĐBSCL. Hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển lên cảng Cát Lái chủ yếu đi qua kênh Chợ Gạo, từ đó làm cho giao thông thủy đoạn này phức tạp hơn cả đường bộ.

Thời gian tới, sau khi hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc, cần phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Trong ba tuyến dự kiến, tôi nghĩ nên quan tâm tuyến đường thủy số 2, là tuyến phá thế độc đạo thủy, giảm áp lực cho tuyến kênh Chợ Gạo rất nhiều.

Ông LÊ TIẾN DŨNG, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm