Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

(PLO)- Thay vì đi theo vành đai 2 TP.HCM như quy hoạch, có ý tưởng cho rằng nên đi theo đường vành đai 3 (phía ngoài TP) để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức hội thảo Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (đoạn qua TP.HCM, Bình Dương). Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng đề xuất mới nhưng cần phải nghiên cứu nhiều vấn đề có liên quan.

Đề xuất hướng tuyến mới

“Quy hoạch đường sắt TP.HCM – Cần Thơ hiện nay là đi dọc theo tuyến hiện hữu vành đai 2 xuyên đô thị TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận 12, khi TP đang đẩy mạnh làm vành đai 3, 4. Tại sao chúng ta không kết nối với vành đai 3, khi đó chi phí xã hội nói chung sẽ giảm bớt”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, đại diện nhóm nghiên cứu ý tưởng cho biết.

Phát biểu tại hội thảo PGS TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng khi đưa tuyến này đi ra bên ngoài TP thì sẽ phát triển khu vực mới và tiết kiệm chi phí đền bù, có ý nghĩa giúp ích cho xã hội, cho TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, Trưởng nhóm nghiên cứu nêu lý do cần thay đổi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh: AT.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, Trưởng nhóm nghiên cứu nêu lý do cần thay đổi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh: AT.

Báo cáo thêm về ý tưởng, TS Trịnh Văn Chính, trường Đại học GTVT TP.HCM cho biết phương án được đề xuất lựa chọn: từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình, tuyến đi theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến ga Dĩ An và ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo Vành đai 3 về phía Nam. Sau đó đến vị trí km + 64,710 (gần cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ đi tiếp xuống Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hành lang tuyến đã được quy hoạch trước đây.

“Phương án này sẽ kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái của Vành đai 3 và thay đổi khá nhiều so với phương án được phê duyệt nhưng lại tạo tiềm năng phát triển các khu đô thị mới”, ông Chính phân tích.

Nhiều ý kiến lo ngại và cần nghiên cứu thêm

TS Phạm Hoài Trung, Viện phó Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT cho biết cần có những nghiên cứu kỹ hơn về ý tưởng này, đồng thời phải có so sánh về mặt lý thuyết về giảm chi phí mặt bằng như thế nào. Thứ hai là công tác quản lý quy hoạch cũng phải phân tích kỹ.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: KIÊN CƯỜNG


“Thêm vào đó, cần phải cân nhắc kỹ về tính pháp lý của đề xuất này. Hiện nay, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, các quản lý quy hoạch theo hướng tuyến cũ đã có. Vậy hướng giải quyết của ý tưởng này thì phải tích hợp vào quy hoạch nào”, ông Trung nêu vấn đề.

Ngoài ra theo ông Trung, ý tưởng này cần có các số liệu thuyết phục, được thể hiện qua các con số, bổ sung thêm các lập luận để đánh giá được giá trị của đề xuất. Cùng với đó, hướng tuyến mới phải cập nhật, đối chiếu với quy hoạch các ga dự kiến của quy hoạch tỉnh để làm sao kết nối tốt.

“Ý tưởng phải chứng minh bằng các con số, cách làm và định lượng ra sao. Chuyển đường sắt ra ngoài trung tâm, lượng hàng hóa phục vụ có nhiều hơn, và nó có đủ lợi ích để thực hiện chuyển đổi hay không. Tôi cho rằng, cần phải có dự báo về phân bổ hàng hóa cho phương án này. Rồi sự kết nối với mạng đường sắt hiệu quả ra sao?”, ông Trung phân tích.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 2 phương án mới nhằm giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiết kiệm thời gian làm dự án. Đồ họa: HỒ TRANG.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 2 phương án mới nhằm giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiết kiệm thời gian làm dự án. Đồ họa: HỒ TRANG.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng 50 năm qua, TP.HCM chưa làm được 1m đường sắt, đây là nhược điểm cần khắc phục.

“Ngoài ra, ngày 30-4 là hoàn thiện và chấm dứt các vấn đề liên quan đến thiết kế đường vành đai 3, rồi 30-6 là khởi công xây dựng vành đai 3. Trong khi tuyến vành đai 3 chỉ đền bù dự án một lần thôi, không có chuyện tiếp theo mở rộng. Vì vậy, nếu kết hợp đường này với vành đai 3 thì rất khó khăn", ông Trường nói.

Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài 174 km, khổ đôi 1.435mm, bao gồm 14 ga, 2 trạm khách.

Tuyến xuất phát từ ga An Bình (Bình Dương), chạy song song với vành đai 2 TP.HCM, chạy qua TP Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh đến ga Tân Kiên, sau đó đi vào địa phận tỉnh Long An.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ tiếp tục đi qua các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm