Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) hôm 20-1 đã đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế “rất nặng” nếu Nga tấn công Ukraine, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tập hợp các nước đồng minh để thảo luận về cuộc khủng hoảng với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh châu Âu sẽ đáp trả một cuộc tấn công mới của Nga "bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính rất nặng”, thêm rằng “cộng đồng các nước xuyên Đại Tây Dương sẽ đoàn kết giữ vững lập trường của mình trong việc này”.
“Chúng tôi không chấp nhận nỗ lực của Nga nhằm chia châu Âu thành các vùng ảnh hưởng. Nếu các cuộc tấn công xảy ra, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng” - bà Ursula nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cụng tay với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trước cuộc họp của họ tại Berlin, Đức ngày 20-1. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Hôm 18-1, Đức cũng đã phát đi tín hiệu cho hay họ có thể dừng hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối từ Nga đến Ukraine nếu Moscow thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào Kiev.
Phản hồi trước những tuyên bố trên, Điện Kremlin ngày 20-1 cho biết những cảnh báo của Mỹ và các nước phương Tây về những hậu quả tai hại có thể xảy ra đối với Nga sẽ không giúp giảm căng thẳng về Ukraine và thậm chí có thể làm tình hình thêm bất ổn.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Anh James Cleverly, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chụp ảnh chung tại Berlin, Đức ngày 20-1. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, vào ngày 19-1, Ngoại trưởng Blinken đã đến Kiev, thủ đô Ukraine, sau đó có buổi đàm phán với các ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh vào ngày 20-1 tại Berlin. Tại Kiev, ông Blinken tuyên bố Washington sẽ tiếp tục theo đuổi ngoại giao đến khi nào có thể.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ với các đồng minh được xem như một trong những cơ hội cuối cùng để ngăn Nga phát động một cuộc tấn công mới, trước khi ông gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 21-1.
Nỗi lo lắng của các nước phương Tây xuất hiện sau khi Nga điều hàng chục nghìn binh sĩ đến gần biên giới Ukraine trong những tháng gần đây.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tham dự cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Berlin, Đức ngày 20-1. Ảnh: REUTERS
Trước các cáo buộc của Mỹ và đồng minh, chính quyền Moscow nhiều lần phủ nhận việc lên kế hoạch tấn công nhưng nói rằng họ có thể thực hiện các hành động quân sự không xác định trừ khi các nước phương Tây đáp ứng những yêu cầu của họ.
Phía Moscow cũng nói rằng họ cảm thấy bị đe dọa trước mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Kiev với phương Tây. Phía Nga từ lâu đã muốn ngăn không cho Ukraine gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và muốn NATO này rút quân và vũ khí khỏi Đông Âu.
Các vòng trừng phạt kinh tế lặp đi lặp lại của các nước phương Tây kể từ năm 2014 đã tác động rất ít đến chính sách của Nga, với việc Moscow, nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu, cho rằng phương Tây sẽ sớm chấm dứt các biện pháp trừng phạt của mình để đảm bảo vấn đề xuất khẩu khí đốt.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và châu Âu khẳng định họ vẫn còn nhiều biện pháp trừng pháp tài chính mạnh khác chưa đưa ra, Reuters đưa tin.