Thời gian gần đây, Trung Quốc (TQ) và Liên minh châu Âu (EU) cùng có loạt động thái và tuyên bố bảo vệ lợi ích kinh tế hợp pháp của doanh nghiệp của mình trước bên còn lại. Các động thái và tuyên bố cứng rắn này có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại và tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và thế giới, theo hãng tin Bloomberg.
Trung Quốc: Không để doanh nghiệp nước nhà chịu thiệt
Tuần trước, Bộ Thương mại TQ tuyên bố sẽ điều tra xem các biện pháp gần đây của EU nhằm vào doanh nghiệp TQ có phải là hành vi "cản trở thương mại" hay không.
"Thời gian qua EU đã mở các cuộc điều tra đối với các doanh nghiệp TQ trong lĩnh vực công nghệ xanh, trong đó có xe điện, turbine gió và pin năng lượng mặt trời,... Chúng tôi sẽ xem xét liệu hành động này của EU có vi phạm các hiệp định kinh tế song phương hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại giữa TQ và 27 thành viên EU hay không" - tờ China Daily dẫn tuyên bố từ Bộ Thương mại TQ.
Bộ này còn nhấn mạnh rằng nếu các cuộc điều tra đi đến kết luận rằng hành vi của EU gây ra “rào cản thương mại” đối với doanh nghiệp TQ thì nước này sẽ khởi động các cuộc đàm phán với EU để giải quyết những tranh chấp, hoặc sẽ có các “biện pháp phù hợp khác” để giải quyết những bất đồng với khối này và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp TQ tới cùng.
Theo hãng tin Reuters, động thái của TQ được xem là hành động đáp trả việc EU quyết định áp thuế gần 40% lên xe điện TQ vào đầu tháng 7.
Trước đó, vào tháng 10-2023, EU đã điều tra và cáo buộc chính phủ TQ trợ giá xe điện, khiến giá thành sản phẩm này tại châu Âu rất rẻ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu.
Đầu năm nay, EU đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các công nghệ quan trọng như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... rơi vào tay các doanh nghiệp đối thủ, trong đó có doanh nghiệp TQ. Các biện pháp này gồm kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài, thắt chặt xuất khẩu các công nghệ chủ chốt và tăng cường giám sát những người tham gia vào các dự án nghiên cứu công nghệ chung giữa TQ và EU.
Đáp lại, phía TQ đã phản đối mạnh động thái trên của EU và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn. Theo Reuters, Bắc Kinh đã tiến hành điều tra các sản phẩm nông nghiệp của EU như thịt lợn, rượu Brandy,... để xem liệu các sản phẩm này có bị bán phá giá hoặc nhận trợ cấp bất hợp pháp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp TQ hay không.
Đài CNBC dẫn lời ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại TQ rằng châu Âu và TQ cần tham gia một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở để giải quyết các bất đồng trong thương mại giữa hai bên nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh, sản xuất của hai bên sẽ không bị gián đoạn.
Lo ngại leo thang
Giới quan sát lo ngại cuộc chiến thương mại EU-TQ một khi xảy ra sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hai khu vực này mà còn có nguy cơ gây hệ lụy tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.
TQ và EU là những trung tâm sản xuất và tiêu thụ lớn nhất toàn cầu. Do đó, việc áp đặt thuế quan và hạn chế thương mại giữa hai bên có thể gây ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất và giá cả hàng hoá, theo Bloomberg.
Bên cạnh đó, việc hai bên áp thuế quan lên các sản phẩm của nhau sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của cả hai bị ảnh hưởng. Thuế cao khiến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực và xa hơn là làm suy yếu vị thế của cả EU và TQ trong nền kinh tế toàn cầu.
Thêm nữa, TQ và EU từ lâu đã có quan hệ đối tác truyền thống. Nhiều ngành công nghiệp của EU phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ TQ, và ngược lại. Nên cuộc chiến thương mại TQ-EU nếu xảy ra có nguy cơ dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất của hai bên, và xa hơn là khả năng cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới.
Cuối cùng, một cuộc chiến thương mại giữa TQ và EU nếu xảy ra có nguy cơ gây hệ lụy đáng kể cho các nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với hai khu vực này. Ví dụ, ngành xuất khẩu của Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào sức tiêu thụ của TQ và EU, nên bất ổn tại hai thị trường này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của khu vực.
“Không ai muốn xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa TQ và EU. Hai bên nên chọn cách xử lý khéo léo, linh hoạt, vì rõ ràng một cuộc chiến thương mại vào thời điểm này không những gây nhiều hậu quả kinh tế đối với EU và TQ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu, cản trở nỗ lực chung trong việc phát triển kinh tế thế giới, cũng như làm trầm trọng thêm mối quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và EU” - ông Paul Triolo - chuyên gia phân tích thị trường TQ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge (Mỹ), nhận định.
Biện pháp xoa dịu căng thẳng thương mại EU-TQ
Nhiều chuyên gia cho rằng có một số cách để xoa dịu tình hình leo thang căng thẳng thương mại giữa châu Âu và TQ, theo tờ The Economist.
Theo The Economist, đối thoại và đàm phán nghiêm túc là cách tiếp cận quan trọng nhất để giải quyết căng thẳng giữa EU và TQ. Hai bên cần ngồi lại với nhau, thẳng thắn chia sẻ những lo ngại và bất đồng, từ đó tìm kiếm giải pháp cùng có lợi. Các cuộc đàm phán cấp cao và diễn đàn hợp tác kinh tế cũng có thể là cơ hội để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Tiếp theo, thay vì chỉ tập trung vào thị trường của nhau, EU và TQ có thể chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa quan hệ thương mại với các thị trường mới nổi khác. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cả hai bên.
Cuối cùng, cộng đồng quốc tế và các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần tạo điều kiện, thúc đẩy đối thoại và đàm phán giữa các bên, cũng như khuyến khích hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững hơn và giảm thiểu nguy cơ xung đột thương mại.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc xoa dịu căng thẳng thương mại không phải là một quá trình dễ dàng và nhanh chóng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, thiện chí và nỗ lực từ cả hai phía.
Quan trọng nhất là cả EU và TQ cần nhận thức rằng một cuộc chiến thương mại sẽ không có người chiến thắng, và chỉ có hợp tác mới là con đường bền vững để cùng phát triển, theo The Economist.