Euro 1984 : Vinh quang thuộc về ĐT Pháp và Michel Platini

Euro 1984 : Vinh quang thuộc về ĐT Pháp và Michel Platini ảnh 1

Huyền thoại Michel Platini tại EURO 1984.

Trong bóng đá đôi khi xảy ra những sự vô lý ngoài sức tưởng tượng. Cơn lốc màu da cam ở thời kỳ đỉnh cao nhất, chinh phục người hâm mộ toàn thế giới với lối chơi tổng lực, lại hai lần phải thúc thủ ở hai trận chung kết World Cup liên tiếp, 1974 và 1978, trước hai đội chủ nhà Đức và Argentina, bị đánh giá là yếu hơn.

Còn bất công hơn thế nữa là việc Pháp chưa từng giành được một chiếc Cup nào, cả ở cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Stade de Reims đã hai lần lọt vào trận đấu cuối cùng của Cup C1 các năm 1956 và 1959 nhưng đều phải dừng bước trước Real Madrid. Còn thành tích cao nhất mà đội tuyển Pháp giành được cho tới khi đó là chiếc HC đồng World Cup 1958 và xếp thứ tư giải năm 1982. Trong khi đó, đất nước hình lục lăng là nơi xuất xứ của giải thưởng danh giá Quả bóng vàng châu Âu, cũng chính người Pháp đề xướng ý kiến tổ chức World Cup và Cup C1. Thậm chí, chiếc Cup vô địch châu Âu được mang tên Henri Delaunay, nhà báo Pháp, người đã vận động để tổ chức ra giải vô địch dành cho các quốc gia châu Âu.

Thế nhưng, tại lần thứ hai đăng cai vòng chung kết EURO, Pháp tràn đầy cơ hội đăng quang. Đội chủ nhà sở hữu một đội hình mạnh nhất trong lịch sử, hơn cả thời của Raymond Kopa và Just Fontaine năm 58, khi Pháp hạ đương kim vô địch CHLB Đức 6-3 ở trận tranh giải ba. Bộ tứ tiền vệ nổi tiếng với Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez sẵn sàng vượt qua bất kỳ chướng ngại nào, sau khi gây choáng váng cho các đối thủ tại Cup thế giới ở Tây Ban Nha hai năm trước. Hàng phòng ngự cực kỳ chắc chắn nhờ sự góp mặt của thủ thành có đôi “tay nhựa” Joel Bats cùng các hậu vệ như Patrick Battiston hay Maxime Bossis.

Sự lo lắng nằm ở hàng tấn công. Kể từ sau khi Just Fontaine, vua phá lưới World Cup 1958 với 13 bàn thắng, giải nghệ, những chú gà trống Gaulois chưa bao giờ sản sinh được một cây săn bàn bẩm sinh. Tuy nhiên, CĐV đặt niềm tin vào Michel Platini. Cầu thủ đang khoác áo Juventus đã hai lần đoạt Quả bóng vàng châu Âu các năm 1983 và 1984 (anh sẽ tiếp tục giành danh hiệu này một lần nữa năm 1985, khi giúp Juventus lần đầu vô địch Cup C1, qua đó trở thành cầu thủ duy nhất 3 lần liên tiếp đoạt giải thưởng danh giá nhất thế giới do tạp chí France Football trao tặng). Platini tham dự EURO lần này sau khi đã 3 lần liền trở thành vua phá lưới tại Serie A nhờ những pha ghi bàn từ hàng tiền vệ.

Những ứng cử viên nặng ký khác có thể kể đến CHLB Đức và Tây Ban Nha. Á quân World Cup 1982 có sự bổ sung của những tài năng như Rudi Voeller, Andreas Brehme và Guido Buchwald. Nhưng Đức gặp vấn đề với lối chơi không thực sự nhuần nhuyễn. Tây Ban Nha là một đối thủ nguy hiểm dẫu chỉ giành vé ở lượt đấu cuối cùng vòng loại. Tại trận này, Tây Ban Nha buộc phải thắng Malta với tỷ số chênh lệch ít nhất 11 bàn để vượt qua đội đầu bảng Hà Lan. Kết quả, dù bỏ lỡ một quả phạt 11 m nhưng Tây Ban Nha vẫn giành vị trí số một bảng 7 vòng loại sau chiến thắng 12-1. Chung cuộc, Tây Ban Nha cùng được 13 điểm như Hà Lan sau 8 vòng đấu, nhưng có hiệu số thắng bại là 24-8 so với 22-6 của đối thủ, nhờ vậy, giành quyền tới Pháp nhờ ghi được nhiều bàn thắng hơn.

Euro 1984 : Vinh quang thuộc về ĐT Pháp và Michel Platini ảnh 2

Michael Laudrup.

Những đội được đánh giá là ngựa ô tại giải có Romania và Đan Mạch. Romania là đội đã vượt qua Italy để có mặt tại Pháp. Đương kim vô địch thế giới Italy là một thất vọng lớn lao vì chỉ thắng được một trận đấu cuối cùng trước đảo Síp trong 8 lượt đấu ở vòng loại. Đan Mạch, thường bị đánh giá là đội bóng hạng hai ở châu Âu, bỗng nhiên có được thế hệ tài năng nhất trong lịch sử, tính cả đến ngày nay. Nổi nhất trong số đó là Allan Simonsen, Quả bóng vàng châu Âu 1977, cùng các đồng đội Preben Elkjaer, Frank Arnesen, Soren Lerby, Morten và Jesper Olsen, đặc biệt là thần đồng 19 tuổi Michael Laudrup. Hai năm sau EURO 1984, Laudrup, huyền thoại lớn nhất lịch sử quốc gia vùng Bắc Âu, sẽ cùng Đan Mạch bùng nổ khi tham dự World Cup 1986 tại Mexico.

Michel Platini – kẻ huỷ diệt

Phong cách của huyền thoại bóng đá thế giới, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời, đều không cho thấy điều đó. Nhưng những kỳ công mà Platini đã thực hiện thì quả thật đã gây ra nỗi kinh hoàng cho mọi đối thủ. Tại trận khai mạc, Platini ghi bàn duy nhất giúp Pháp vượt qua Đan Mạch. Như thường lệ, sự phối hợp giữa Giresse và Tigana cho phép Platini tung hoành bất chấp sự đeo bám của hậu vệ đối phương. Trận đấu thứ hai thực sự là của riêng Platini với một cú hat-trick vào lưới Bỉ. Cuộc đối đầu giữa Platini và Enzo Scifo đã không hấp dẫn như mong đợi vì cầu thủ gốc Italy chơi mờ nhạt và bị thay ra giữa chừng. Hai pha lập công khác của Giresse và Fernandez giúp Pháp hoàn tất chiến thắng 5-0. Một lần nữa, Giresse toả sáng với những pha phối hợp lắt léo và những đường chuyền thông minh.

Trận đấu giữa Nam Tư, đội đã bị loại, và Pháp, đội đã giành vé lại diễn ra hấp dẫn. Nam Tư đã mở tỷ số trước và chỉ chịu thua Pháp bởi phong độ xuất sắc của Platini. Trận thứ hai liên tiếp Platini lập hat-trick, nâng số bàn thắng ghi được lên con số 7 sau 3 trận vòng bảng. Thua 2-3, Nam Tư bị loại mà không kiếm nổi 1 điểm, dù chơi hay trong cả 3 lần xuất quân.

Cùng với Pháp, Đan Mạch là đội còn lại của bảng 1 lọt vào bán kết. Trong khi Pháp đè bẹp Bỉ 5-0 thì những chú lính chì cũng hạ nhục Nam Tư với kết quả tương tự. Đội bóng Đông Âu chơi cũng hay và kỹ thuật như đối thủ nhưng để thua do khả năng kết thúc quá kém và sự đen đủi một cách khó hiểu. Trận này, Michael Laudrup không ghi bàn nhưng tỏ ra xuất sắc và tạo nhiều cơ hội cho đồng đội. Ở trận đấu quyết định với Bỉ, Đan Mạch đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, thắng 3-2 dù bị dẫn trước hai bàn ngay trong 45 phút đầu tiên.

Trong 4 đội Đức, Romania, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở bảng 2, không có cái tên nào nổi trội hẳn lên. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đã hoà trong hai trận đầu tiên và cần phải thắng ở lượt trận cuối mới có cơ hội đi tiếp. Và cả hai đội cùng giành chiến thắng sít sao 1-0. Trong hai trận đấu này, thắng lợi 1-0 mà Tây Ban Nha có được khi đối đầu với Đức thực sự là một thử thách khó khăn mà các cầu thủ xứ sở đấu bò đã vượt qua được. Trong khoảng thời gian đầu tiên, thủ thành Luis Arconada đã phải hai lần vất vả cản phá những pha kết thúc của Klaus Allof. Trong vòng 30 phút cuối, Tây Ban Nha buộc phải tăng tốc vì đối thủ của họ chỉ cần hoà là đủ để có mặt ở vòng sau. Nhưng cũng phải đến khi trận đấu bước sang những phút đá bù giờ, một sự không hiểu ý giữa thủ môn Harald Schumacher và các trung vệ tạo điều kiện cho Antonio Maceda đánh đầu tung lưới Đức.

Trận bán kết đầu tiên giữa Pháp và Bồ Đào Nha là một trong những trận đấu hay nhất tại các vòng chung kết. Một trận đấu mà tính hấp dẫn, sự căng thẳng tương tự như cuộc đối đầu Italy thắng Đức 4-3 tại bán kết World Cup 1970. Platini chuyền bóng cho Domergue ghi bàn phút 24. Trong những phút tiếp theo, dưới sự dẫn dắt của Platini, thế trận diễn ra một chiều và Manuel Bento đã phải vất vả ngăn chặn các cơ hội của đối phương. Thủ môn chỉ cách ngày sinh nhất lần thứ 36 đúng hai ngày đã có một buổi chiều xuất sắc. Đến phút 74, Chalana bên cánh trái chuyền cho Rui Jordao bất ngờ đánh đầu, ghi bàn đầu tiên tại giải, gỡ hoà 1-1. Hiệp phụ thứ nhất diễn ra được 8 phút, lại là Jordao, vẫn đón bóng của Chalana, vôlê chính xác vào góc cao. Dồn tất cả lên tấn công, đội chủ nhà cân bằng 2-2 nhờ công Domergue, sau khi bóng đi ra từ chân Platini.

Platinin cũng chính là sự khác biệt giữa hai đội. Trong khi Bồ Đào Nha đã sẵn sàng bước vào loạt đá luân lưu thì tỷ số 3-2 được ấn định. Phút cuối cùng hiệp phụ thứ hai, Tigana chuyền ngang khung thành. Platini bình tĩnh khống chế trước khi sút tung lưới Bento, làm cả nước Pháp bùng nổ. Platini chạy dọc đường biên, phía sau anh là đám động với hàng trăm lá quốc kỳ là hình ảnh đẹp nhất của vòng chung kết. 16 năm sau, trận đấu trên lặp lại. Cũng tại bán kết EURO, năm 2000, Pháp một lần nữa vượt qua Bồ Đào Nha trong hiệp phụ thứ hai bằng bàn thắng của một huyền thoại khác – Zinedine Zidane.

Ở trận bán kết còn lại, Tây Ban Nha vượt qua Đan Mạch sau cuộc đấu cân não trên chấm 11 m. Hai đội hoà nhau 1-1 trong 120 phút thi đấu. Đội bóng đến từ phía bên kia dãy Pyrenees có tham vọng lặp lại chiến tích của 20 năm trước nhưng đội chủ nhà lại quyết không bỏ qua cơ hội lần đầu tiên giành ngôi quán quân. Một trận đấu hứa hẹn đầy hấp dẫn và quyết liệt.

Sai lầm của thủ thành Arconada

Euro 1984 : Vinh quang thuộc về ĐT Pháp và Michel Platini ảnh 3

Jean Tigana là một trong số cầu thủ chơi hay nhất EURO 1984.

Tây Ban Nha khởi đầu tốt hơn nhưng nhanh chóng sau đó, Pháp đã xác lập vị thế của một nhà vô địch tương lai với lối chơi áp đặt. Tuy vậy, hầu như không có cơ hội thực sự nguy hiểm nào được tạo ra trong hiệp một. Thời điểm bước ngoặt xảy ra ở phút 57. Thật nực cười khi trong một giải đấu hấp dẫn, một cầu thủ chơi rất tốt từ đầu lại mắc phải một sai lầm làm hoen ố cả sự nghiệp. Cú đá trực tiếp từ ngoài vòng 16m50 mà Platini thực hiện không có chút nào đặc trưng cho những pha đá phạt nổi tiếng của anh. Nó đi thấp, vòng qua bên ngoài hàng rào, đi vào vị trí thủ môn Arconada đã đón sẵn. Arconada đổ người đón bóng, nhưng lại để trôi qua người và lăn vào phía bên kia vạch cầu môn. Bàn thua làm tan biến sự hưng phấn mà Tây Ban Nha mang theo từ đầu giải.

Thời gian còn lại, các cầu thủ Pháp mặc sức tung hoành và tạo ra rất nhiều pha hãm thành. Bàn thắng phút 90 của Bruno Bellone ấn định kết quả 2-0. Trong số 14 lần tuyển Pháp làm tung lưới đối phương, đây là bàn duy nhất được ghi do công một tiền đạo. Trong khi đó, Platini ghi tới 9 bàn thắng sau 5 trận đấu. Tương tự như 13 bàn thắng của Just Fontaine năm 1958, một người Pháp nữa lại lập nên một kỷ lục ghi bàn khó có thể bị bắt kịp. Đáng chú ý hơn, Platini đã ghi bàn bằng cả chân trái, chân phải, bằng đầu và đá phạt, đồng thời còn tạo nhiều cơ hội cho đồng đội. Một mình Platini còn ghi được nhiều bàn thắng hơn so với cả hai đội Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Một cầu thủ toàn năng.

Nhiều ý kiến cho rằng Pháp đã may mắn với lợi thế sân nhà. Nhưng không ai có thể phủ nhận Pháp là nhà vô địch tuyệt đối khi đó. Trong suốt cả năm, họ thi đấu 12 trận và giành chiến thắng cả 12.

Video chung kết euro 1984:

Kết quả các trận đấu tại EURO 1984:

Chung kết

Pháp 2 – 0 Tây Ban Nha

Bán kết

Pháp 3 – 2 Bồ Đào Nha
Đan Mạch 1 – 1 Tây Ban Nha

Vòng đấu bảng

Bảng 1

Pháp 1 – 0 Đan Mạch
Bỉ 2 – 0 Nam Tư
Pháp 5 – 0 Bỉ
Đan Mạch 5 – 0 Nam Tư
Pháp 3 – 2 Nam Tư
Đan Mạch 3 – 2 Bỉ

Bảng 2

Đức 0 – 0 Bồ Đào Nha
Romania 1 – 1 Tây Ban Nha
Đức 2 – 1 Romania
Bồ Đào Nha 1 – 1 Tây Ban Nha
Đức 0 – 1 Tây Ban Nha
Bồ Đào Nha 1 – 0 Romania

(Theo TinEuro2012 - Video: Youtube)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm