EVNHCMC: Chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu ‘Mọi lúc - Mọi nơi - Mọi việc’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông qua chuyển đổi số, các cấp quản lý của ngành điện cũng có thể theo dõi, giám sát tình trạng vận hành lưới điện, điều hành và giải quyết các công việc mọi lúc - mọi nơi. Từ đó, phục vụ khách hàng một cách nhanh nhất trên nền tảng công nghệ số.

Với những chuẩn bị hết sức căn cơ, EVNHCMC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ cơ bản trở thành doanh nghiệp số với tiêu chí 3M:“Mọi việc – Mọi lúc – Mọi nơi”.

EVNHCMC phát động phong trào thi đua sáng kiến chuyển đổi số tại Hội thảo “Kiến trúc doanh nghiệp và kinh nghiệm chuyển đổi số”.

Trong Hội thảo “Kiến trúc doanh nghiệp và kinh nghiệm chuyển đổi số”, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2020-2022, EVNHCMC sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện “Chuyển đổi số” và xác định bốn mục tiêu trung tâm chuyển đổi số đến năm 2022. Cụ thể: Khách hàng làm trung tâm, tài sản làm trung tâm, người lao động làm trung tâm và dữ liệu làm trung tâm.

Ban lãnh đạo EVNHCMC quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin cho mọi hoạt động từ phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số là câu chuyện không của riêng ai. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà tập thể lãnh đạo và người lao động EVNHCMC đặt ra để quyết tâm đạt được mục tiêu chuyển đổi số theo đúng lộ trình” – Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn khách hàng cài đặt App CSKH, một kênh tương tác với điện lực có rất nhiều tính năng tiện lợi, được xây dựng trên nền tảng số.

Theo EVNHCMC, trước năm 2000, công tác số hóa, ứng dụng kỹ thuật số đã diễn ra rất mạnh mẽ tại EVNHCMC. Đến nay, Tổng công ty đã triển khai nhiều cải tiến dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính. Nổi bật là rút ngắn thời gian cấp điện, đa dạng hoá các hình thức thu tiền điện, mở rộng nhiều kênh giao dịch khách hàng, chăm sóc khách hàng qua app thiết bị thông minh, ký hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử.

Mới đây nhất, chương trình cuộc gọi định danh (Voice Brandname) sẽ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu EVNHCMC khi nhân viên ngành điện lê hệ qua điện thoại để thực hiện công tác.

Đầu tháng 9-2021, EVNHCMC cũng đã đưa vào sử dụng sản phẩm chuyển đổi số đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi trong giao tiếp với khách hang, đó là danh thiếp điện tử (e-Namecard). Ứng dụng đã góp phần chuyên nghiệp hoá trong giao tiếp, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cũng là một giải pháp chống giả mạo nhân viên ngành điện. E-Namecard giúp khách hàng nhanh chóng xác định chính danh nhân viên điện lực khi giao tiếp.

Danh thiếp điện tử e-Namecard, một sản phẩm chuyển đổi số của EVNHCMC

Trong công tác quản lý kỹ thuật, từ nay đến 2025, EVNHCMC sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống ứng dụng quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); Ứng dụng DAS để tự động hóa 75% lưới điện phân phối vào năm 2022; ứng dụng CBM đối với TBA 110/22kV nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài sản….

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC nhấn mạnh, lộ trình chuyển đổi số của EVNHCMC đang đi đúng hướng. Muốn chuyển đổi số thành công phải dựa trên các công nghệ hiện đại, tiên tiến, với phương châm 3M “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi việc” để thực hiện bằng được mục tiêu cơ bản trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022.

"Phương châm này vừa là thông điệp gửi đến tất cả người lao động để thấu hiểu và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Tổng công ty. Đông thời, đây là tiêu chí để đánh giá các sản phẩm sáng tạo, các ứng dụng chuyển đổi số áp dụng trong EVNHCMC" - ông Thanh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm