Formosa và sự buông lỏng quản lý

- Thiếu giám sát, chôn bậy chất thải nhiều nơi: Các điểm chôn lấp đã được xác định là ở tại trang trại nằm trên phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), tại bãi rác thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), tại bãi chứa rác ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Tân) và sau đó là ở công viên ở phường Song Trí (thị xã Kỳ Anh)… Một số điểm còn đang được kiểm tra, xác định. Việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải diễn ra công khai song hầu hết là do người dân phát hiện, phản ánh và trình báo của người vi phạm. Hoàn toàn chưa thấy một điểm nào do cơ quan chức năng phát hiện.

Sự thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng còn thể hiện ở điểm Sở TN&MT từng cảnh báo cho Formosa rằng Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh chỉ có chức năng tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt, bùn hầm cầu. Dù vậy Formosa vẫn giao 267 tấn chất thải, trong đó có khoảng 189 thải bùn thải công nghiệp (hiện đang xác định có phải chất thải nguy hại hay không) cho Công ty Kỳ Anh để công ty này chôn lấp bậy nhiều nơi.

- Lúng túng khó hiểu: Từ tháng 5-2015, người dân đã báo và chính quyền thị trấn Thiên Cầm đã bắt quả tang xe tải chở bùn bánh Formosa đổ ở bãi rác sinh hoạt ở thị trấn. UBND huyện Cẩm Xuyên thụ lý vụ việc song huyện này không xử lý. Mới đây, khi báo chí thông tin mới lấy lại mẫu để phân tích có phải là chất thải nguy hại hay không.

Tương tự, ngày 16-6, Sở TN&MT biết việc Formosa giao chất thải cho Công ty Kỳ Anh là trái luật không vào cuộc quyết liệt dẫn đến việc chôn bậy. Ngày 12-7, người dân phản ánh thì vội vàng lấy mẫu để phân tích song quá trình lấy mẫu lại… lúng túng, lấy thiếu mẫu. Ngày 18-7, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết đã phê bình một số nhân viên và yêu cầu làm kiểm điểm.

- Muốn kiểm tra phải “lụy” Formosa: Đầu tháng 4-2016 xảy ra hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ biển thị xã Kỳ Anh nhưng hệ thống quan trắc của Formosa chưa được đấu nối với hệ thống quan trắc do Sở TN&MT quản lý. Do vậy, lượng nước thải khổng lồ này gây ô nhiễm môi trường tới mức nào thì chỉ có mỗi Formosa biết. Ngày 25-4, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT, nói: “Muốn kết nối mạng phải có tiền. Nhà của họ, mình muốn vào kiểm tra Formosa phải thông báo. Dù là cơ quan quản lý nhà nước nhưng muốn kiểm tra thì cũng phải thông báo. Chừng nào có được hệ thống quan trắc độc lập, kết nối với trạm quan trắc của họ thì chúng tôi mới không cần vào tận nơi kiểm tra”.

Tương tự, ngay sau khi đống bùn bánh ở trang trại bị khui lên, ông Võ Tá Đinh vẫn nói: “Theo quy định, cơ quan nào cấp phép cho doanh nghiệp thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Formosa do Bộ TN&MT cấp phép xả thải thì Bộ phải chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, giám sát. Sở TN&MT vào kiểm tra, giám sát thì doanh nghiệp đặt nghi vấn tiêu cực nên chúng tôi chỉ kiểm tra, giám sát khi có sự cố”.

- Thiếu tiên lượng và trở bộ chậm: Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhìn nhận Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh chưa lường hết được và thời gian qua công tác quản lý giám sát đang còn chồng chéo giữa trung ương với địa phương.

Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là đến nay, hai đơn vị quản lý trực tiếp Formosa về môi trường gồm Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và Sở TN&MT vẫn “chưa rõ được khi nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động chính thức sẽ phát sinh lượng rác thải thế nào”. Không “nhìn” số lượng rác, đương nhiên sẽ không tính toán được năng lực xử lý và khó thể đặt yêu cầu với Formosa. Chuyện “xử lý” chất thải công nghiệp bằng cách chôn bậy cũng phát sinh từ đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm