Thống kê cho thấy, hiện 18% người dân Phú Thọ có hiểu biết các khái niệm về hát xoan, trong đó một nửa (9%) là hát được. Theo dự thảo đề án, con số này cần được nâng lên thành 30% (biết) và 10% (hát được) vào năm 2015, tiếp đó là 40% (biết) và 15% (hát được) trong năm 2020.
Để "đặt móng" cho cái đích này, đề án đề xuất xây dựng chương trình giảng dạy hát xoan trong trường học các cấp. Các lớp mầm non sẽ được nghe kể chuyện, đọc thơ và làm quen với các chữ cái có cụm từ liên quan tới hát xoan. Các lớp tiểu học, trung học cơ sở sẽ tìm hiểu và học hát xoan theo từng giai đoạn khác nhau, còn ở cấp trung học phổ thông là các hình thức liên hoan hát xoan, hoặc giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Hát xoan tại đình Thét (xã Kim Đức, Phú Thọ). Ảnh: TTXVN
Bên cạnh những ý kiến tán thành, nhiều chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm tỏ ra băn khoăn với kế hoạch này, trong đó PGS Lê Hồng Lý (Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa) cho rằng: "Mục tiêu của chúng ta là giữ gìn một di sản đã được UNESCO công nhận, chứ không phải xây dựng phong trào... toàn dân hát xoan. Đọc đề án, tôi có cảm giác là chúng ta đang định "xoan hóa" Phú Thọ”. Đáng nói, theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản hát xoan dự kiến sẽ chỉ được hỗ trợ vài trăm triệu đồng. Bởi vậy, tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án trong việc xin thêm kinh phí từ Trung ương, cũng như huy động nguồn vốn xã hội hóa. Theo GS Tô Ngọc Thanh, di sản hát xoan luôn là một phần quan trọng và không thể tách rời tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Do vậy, tỉnh Phú Thọ nên nghĩ tới việc lồng ghép bảo tồn 2 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận này trong một chương trình hành động chung để tăng tính khoa học và dễ kêu gọi kinh phí.
Theo Chiêu Minh (Báo Thể thao & Văn hóa)