Với việc chào bán thành công 343,66 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ đã mở ra thời kỳ mới cho Sabeco.
Đặc biệt, Nhà nước sẽ thu về hơn 109.972 tỉ đồng. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng ra sao? Quá trình để đi đến thành công này thế nào?
Bán thành công "con ga đẻ trứng vàng"
Theo tìm hiểu của PV, từ cuối tháng 11-2017, khi Bộ Công Thương quyết định chốt mức giá cổ phần mà Nhà nước đang sở hữu tại Sabeco là 320.000 đồng/cổ phần, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho rằng là quá cao và khó thành công.
Thậm chí, một vài ý kiến còn đề xuất trước khi bán vốn khối lượng lớn, Bộ Công Thương có thể bán trước một tỉ lệ % nhỏ để bổ sung thêm khối lượng cổ phần Sabeco đang giao dịch sẵn có cho thị trường để giảm bớt giá cổ phiếu (lúc đó đang có mức giá trên 309.000 đồng/cổ phiếu), tham chiếu được giá hợp lý sẽ giúp thương vụ này thành công.
Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của Nhà nước không được bảo toàn và phát huy tối đa, đồng thời đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân liên quan được giao trọng trách này trước Thủ tướng Chính phủ.
Thậm chí, căn cứ có cơ sở pháp lý hơn khi các đơn vị tư vấn định giá cho Bộ Công Thương đã đề xuất giá khởi điểm chào bán cạnh tranh thấp hơn gần một nửa mức hiện tại để đấu giá và bán thành công cũng không được Bộ Công Thương và Chính phủ lựa chọn như thị trường đã thấy.
Bộ Công Thương đã kiên trì việc định giá theo tín hiệu của thị trường, dựa trên năng lực của Sabeco là “con gà đẻ trứng vàng” cho bất kỳ nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm tới doanh nghiệp này.
Với việc chào bán thành công 343,6 triệu cổ phiếu Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ đã mở ra thời kỳ mới cho Sabeco.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin từ thị trường, thực hiện chế độ báo cáo liên tục, hàng ngày tới Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tất cả quá trình bán vốn diễn ra công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm chi phối.
Mức giá khởi điểm chào bán 320.000 đồng/cổ phần là mức giá tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 28-11, trước một ngày công bố thông tin ra thị trường, được Bộ Công Thương chốt trên cơ sở tham chiếu thị trường, do thị trường quyết định.
Vẫn còn tranh cãi
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico nhận định: “Việc bán cổ phần Sabeco lúc này là hoàn toàn đúng thời điểm và bán được giá như vậy là rất tốt”.
Theo vị luật sư này việc đối tác mua lại lượng lớn cổ phần này hoạt động theo hành lang pháp lý, nhu cầu thị trường, nguyên lý kinh doanh nên chúng ta không có gì phải băn khoăn và cần phải khuyến khích. Quan trọng là sau này họ chấp hành đóng thuế, cạnh tranh… đúng pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nếu Bộ Công Thương chỉ bán 49% số cổ phần của Nhà nước thì sẽ không thu hút được các đối tác uy tín quan tâm hoặc nếu có mua thì giá sẽ rẻ bằng một nửa.
Đối với lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, thuốc lá thì tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ là nhà nước không nên nắm giữ. Giữ đến thời điểm hiện tại đã là quá chậm rồi. Với tỉ lệ bán cao, chúng ta đã có nhà đầu tư chiến lược và giá được chấp nhận thì không có cớ gì lại không bán”.
Sau đợt bán vốn này, Bộ Công Thương vẫn còn là đại diện của 36% vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco. Ông Trương Thanh Hoài cho biết việc bán tiếp 36% vốn này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
“Việc đa dạng hóa sở hữu Sabeco sẽ giúp cho doanh nghiệp tốt hơn lên, huy động được trí tuệ của các tổ chức, cá nhân am hiểu và nhanh nhạy với thị trường trong đại hội cổ đông của công ty, thay vì chỉ có một mình nhà nước quyết như trước. Đây là xu hướng tốt, đang được Chính phủ triển khai trên thực tế tại các doanh nghiệp có quy mô lớn và sẽ phủ rộng rãi, thực chất hơn nữa trong thời gian tới đối với khối doanh nghiệp nhà nước”, ông Hoài nhận định.
Ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng dù những thương vụ thoái vốn như Sabeco, Vinamilk… là thành công về mặt kinh tế nhưng cũng lo ngại nếu cổ phần hóa bằng mọi giá khi bán đi những thương hiệu Việt nổi tiếng nhất. Do đó cần cân nhắc kỹ giữa những khoản tiền thu được trước mắt với giá trị lâu bền trong tương lai.
Đó là chưa kể thực tế cho thấy nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào VN bằng việc sử dụng nhiều chiêu thức như sử dụng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng để mua cổ phần; liên kết để tạo lợi thế chi phối hay như nhà đầu tư nước ngoài “đội lốt” DN nội để chiếm cổ phần cao hơn quy định.
Từ đó nhằm mục đích thâu tóm các DN nội có giá trị vốn lớn như nước giải khát, bia, sữa… và sau đó có thể thao túng thị trường.
Đại gia Thái Lan sẽ nắm phần chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sabeco.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ, theo kế hoạch thoái vốn nhà nước trong năm 2017 được Quốc hội ấn định, Chính phủ phải thu về 60.000 tỉ đồng. Vừa qua, tại phiên họp Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cả nước đã thoái được hơn 25.000 tỉ đồng. Từ nay tới cuối năm, dự kiến nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỉ đồng từ IPO của các tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương. Với việc bán vốn thành công trị giá 4,8 tỉ USD tại Sabeco, Chính phủ đã hoàn thành vượt kế hoạch thoái vốn trong năm 2017 và còn tạo ra được dư địa cho thoái vốn cho kế hoạch của năm 2018. Về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN sẽ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, số tiền thu được từ bán cổ phần dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên. |