Ông Nguyễn Lâm Sáu trình bày về vụ án của mình - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Công dân đó là ông Nguyễn Lâm Sáu, 72 tuổi, hiện ở P.Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông cho biết kể từ ngày nhận được lệnh tạm tha, ông thấp thỏm đợi lệnh triệu tập của công an nhưng suốt 27 năm qua vụ án của ông chưa từng được giải quyết...
Ông Sáu kể sau khi đi học ở Liên Xô về, ông được điều động vào Đắk Lắk công tác tại nông trường Ea Kao (hiện nay đã giải thể). Ông phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực nên đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền... Thanh tra tỉnh Đắk Lắk sau đó đã kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật. Tuy nhiên, ông không được biểu dương mà cuộc sống gia đình, công việc lại càng trở nên sóng gió: ông bị cho nghỉ việc, vợ bị cắt lương...
Thế rồi ngày 14-11-1985, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám xét và thu giữ tại nhà ông một chai dầu cam 65ml (đã hỏng). Ông Sáu bị bắt vì phạm tội buôn bán hàng cấm.
“Tạm tha” suốt 27 năm
Mười ngày sau, tức ngày 24-11-1985, ông Bùi Văn Nhị, quyền trưởng phòng an ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk, ký lệnh tạm tha đối với ông Sáu. Lệnh này ghi rõ: bị can Nguyễn Lâm Sáu phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày giờ quy định. Từ đó đến nay không một lần cơ quan công an triệu tập để làm rõ hành vi phạm tội hoặc trả tự do cho ông.
Từ năm 2006 đến nay, ông Sáu đã gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu. Cũng đã có hàng chục văn bản của các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... gửi UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Nguyễn Lâm Sáu. Đích thân phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã hai lần gửi công văn, thư tay vào năm 2008 và 2010 đến chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại này.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra văn bản khẳng định Công an tỉnh Đắk Lắk đã có những sai sót trong việc bắt giam ông Sáu và yêu cầu công an tỉnh phải tổ chức gặp gỡ đối thoại, ra văn bản chính thức xin lỗi, bồi thường thiệt hại... Cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã gặp trực tiếp ông Sáu khoảng tám lần để đối thoại, nói lời xin lỗi, tìm hướng giải quyết cùng ông Sáu nhưng đến nay mọi việc chưa có kết quả vì hai bên không đi đến thống nhất.
Áp dụng sai biểu mẫu!
Ngày 4-10-2012, đại tá Phạm Hữu Nhạc - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - trả lời Tuổi Trẻ: Việc khám xét và bắt giữ ông Nguyễn Lâm Sáu là thực hiện đúng những quy định của sắc luật số 02 về thẩm quyền và thủ tục bắt, giam những phần tử cần tập trung cải tạo do Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam VN ban hành ngày 15-3-1976.
Tuy nhiên, trong biên bản bắt và khám xét nhà ông Sáu đã ghi sai lệch ngày bắt giam. Biên bản ghi: ngày 14-11-1985 tại gia đình ông Nguyễn Lâm Sáu, thi hành lệnh bắt số 08 ngày 14-12-1985, tức là thi hành lệnh bắt của một tháng sau. Hơn nữa, lệnh này không có sự phê chuẩn của Viện KSND tỉnh...
Ngoài ra, cơ quan công an lúc bấy giờ đã giam ông Sáu tới mười ngày - trái với quy định của sắc luật số 02 lúc bấy giờ (chỉ được tạm giữ ba ngày). Khi vụ tàng trữ chất cấm của ông Sáu không cần thiết phải khởi tố thì phải trả tự do cho ông kèm với các yêu cầu xử phạt hành chính, giao địa phương kiểm điểm... Cơ quan công an đã không làm vậy mà ký lệnh tạm tha là áp dụng sai biểu mẫu (đúng ra phải ký lệnh tha, lệnh trả tự do).
Ông Nhạc cũng cho biết ông Sáu yêu cầu Công an tỉnh Đắk Lắk phải bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần trong 27 năm cho ông theo nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Đồng thời từ việc bị bắt giữ này khiến ông và vợ bị mất việc nên phải tính toán thiệt hại số thời gian hưởng lương của vợ chồng ông trong 27 năm...
“Chúng tôi không thể thực hiện được những yêu cầu này của ông Sáu vì ông bị bắt giữ là đúng luật thời đó và ông chưa từng bị khởi tố bị can... Công an tỉnh không thể ra thêm bất cứ quyết định tố tụng nào đối với ông Sáu vì hệ thống pháp luật đã sửa đổi, vụ việc đã diễn ra quá lâu nên hết thời hiệu...” - ông Nhạc cho biết.
Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đối thoại với ông Sáu để đưa ra một quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo đối với vụ việc của ông. Theo đó, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ xin lỗi công khai với ông Sáu về những sai sót nghiệp vụ, cũng như kỷ luật khiển trách, cảnh cáo cán bộ đã ra quyết định sai đang tại chức, những người đã chết thì không truy cứu. Đồng thời căn cứ vào việc ông bị bắt giam quá bảy ngày để bồi thường về vật chất và tinh thần cho ông trong thời gian này...
Ông Nhạc nói thêm: riêng việc ông Sáu cho rằng mình mất quyền công dân (không có chứng minh nhân dân, không được bầu cử...) là không có cơ sở. Bởi theo điều tra tại P.Khánh Xuân - nơi ông Sáu cư trú, ông Sáu vẫn làm được thủ tục sang nhượng đất ở, vẫn có tên trong danh sách cử tri, hưởng mọi chế độ bình thường như mọi công dân khác...
Nên xem xét bồi thường thời gian mất việc vì bị bắt giam Luật sư Tạ Quang Tòng, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, nhận định: vào thời điểm năm 1985 chưa có hệ thống luật chặt chẽ như hiện nay, việc ra các sắc luật nhằm để đáp ứng những công việc đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền. Vào thời điểm đó có rất nhiều mặt hàng, hành vi bị cấm tiêu thụ, buôn bán, lưu hành... Đối với vụ ông Sáu, về mặt pháp luật đã hết thời hiệu nên không thể áp dụng bất cứ quyết định tố tụng nào nữa. Yêu cầu đòi bồi thường theo nghị quyết 388 của ông Sáu khó thực hiện vì số tiền sẽ rất lớn và không có cơ sở để giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan công an cần phải nhìn nhận rằng ông Sáu vẫn chịu một cái án lơ lửng vì tờ “lệnh tạm tha”. Ông Sáu không biết và cũng không có trách nhiệm phải biết việc cơ quan công an thời đó áp dụng sai biểu mẫu, ông chỉ biết mình sẽ bị triệu tập bất cứ lúc nào dưới thân phận bị can trong 27 năm qua. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng cần nhìn nhận thực tế mất việc cũng như không kiếm được việc khác của ông Sáu vì “lệnh tạm tha” lơ lửng đó. Vì vậy, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk nên đối thoại với ông Sáu việc bồi thường tổn thất tinh thần vì bị bắt giam quá số ngày quy định cũng như việc bị bắt giam nên không có việc làm... |
Theo TRUNG TÂN (TTO)