Gạo đặc sản Việt nhẹ gánh sau gần 8 năm lận đận

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1-10-2018. Nghị định này thay thế Nghị định 109/2010 vốn gây nhiều khó khăn, thậm chí loại nhiều công ty xuất khẩu gạo quy mô nhỏ ra khỏi thị trường trong gần tám năm qua.

Tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng

Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 107/2018 là Chính phủ đã bãi bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Thay vì phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây, nay thương nhân có thể đi thuê.

Đây là điều kiện gây nhiều tốn kém không cần thiết cho các công ty xuất khẩu gạo trong suốt thời gian qua. Thậm chí có công ty phải tốn đến 25 tỉ đồng mới đáp ứng được các điều kiện bị đánh giá là rất bất hợp lý này.

 “Với những điều kiện thông thoáng tại Nghị định 107/2018, công ty của tôi có thể đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu gạo mà không cần nhờ ủy thác qua doanh nghiệp (DN) khác” - ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Cỏ May ở Đồng Tháp, chia sẻ.

Ông Thiện kể trước đây điều kiện quá khắt khe của Nghị định 109/2010 đã buộc Công ty Cỏ May phải đi đường vòng bằng cách thành lập công ty con tại Singapore để nhập gạo của chính mình từ quê nhà qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu. Chi phí cho công ty tại Singapore tính ra khoảng 1 tỉ đồng/năm. Ngoài ra còn tốn chi phí ủy thác xuất khẩu khoảng 2 USD/tấn.

“Nay chúng tôi tiết kiệm được hàng tỉ đồng mỗi năm khi không phải duy trì hoạt động công ty tại Singapore vì tiền thuê mặt bằng, nhân sự và nhiều chi phí khác vốn rất đắt đỏ. Hơn nữa, Cỏ May có thể xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác với giá cả rất cạnh tranh” - ông Thiện cho hay.

Đặc biệt, ông Thiện đã lên kế hoạch để khăn gói sang mở thị trường Mỹ, nơi có nhiều người Việt Nam và các nước châu Á sinh sống sau khi Nghị định 107 được ban hành, DN được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. “Chúng tôi quyết tâm lấy lại hình ảnh của gạo Việt Nam, để người tiêu dùng thế giới biết tới thương hiệu gạo Việt” - ông Thiện bày tỏ.

Với Nghị định 107/2018, nhiều công ty đã đủ điều kiện xuất khẩu gạo, giảm chi phí, mở rộng thị trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cỏ May đóng gói gạo xuất khẩu. Ảnh: QH

Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hưng, ông Nguyễn Văn Đôn, cũng cho rằng Nghị định 107 đã chính thức tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN muốn xuất khẩu gạo. Từ đó DN tránh lãng phí do phải đầu tư kho chứa khủng, nhà máy lớn không cần thiết.

“Đặc biệt nghị định mới có điểm hay là khuyến khích DN xuất khẩu xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết bao tiêu cho nông dân bằng các chính sách ưu đãi chứ không áp đặt như trước. Cụ thể, DN có vùng nguyên liệu sẽ được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước; được ưu tiên phân bổ hợp đồng tập trung, tham gia chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo” - ông Đôn nói.

Gạo đặc sản rộng đường xuất ngoại

Nghị định 107 cũng mở ra một quy định rất thông thoáng: Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất gạo hữu cơ và gạo dinh dưỡng, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, bình luận: “Quy định mới tạo cơ hội cho nhiều công ty nhỏ lẻ, khuyến khích nhiều đơn vị làm sản phẩm gạo đặc sản, gạo sạch, hữu cơ, chất lượng cao có cơ hội xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho đất nước. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo dinh dưỡng sẽ được nhiều nước biết đến, gia tăng uy tín về chất lượng cho sản phẩm gạo Việt Nam”.

Đáng chú ý là theo nghị định mới, DN xuất khẩu gạo chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn). Sau khi điền đầy đủ thông tin, dữ liệu thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo của thương nhân sẽ tự động chuyển về cổng thông tin một cửa quốc gia (vnsw.gov.vn) làm cơ sở cho việc thực hiện thủ tục hải quan theo quy định. Điều này có nghĩa DN không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như trước đây.

Đại diện một công ty xuất khẩu đánh giá việc xóa bỏ cơ chế đăng ký hợp đồng tại VFA tạo thuận lợi cho DN và vẫn đảm bảo được công cụ quản lý của Nhà nước. “Việc này tránh tình trạng lộ thông tin khách hàng của DN khi đăng ký qua VFA; xóa bỏ lợi ích nhóm, xóa một phần đặc quyền, đặc lợi của VFA. Nghị định mới cũng bỏ quy định giá sàn đối với gạo xuất khẩu là hợp lý, tránh việc DN nước ngoài lợi dụng để ép giá gạo Việt Nam nhiều năm qua” - đại diện công ty trên bày tỏ.

Cần triệt để xóa đặc quyền của ông lớn

Tuy bãi bỏ nhiều điều kiện làm khó nhà kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng Nghị định mới 107/2018 vẫn chưa dẹp những quy định về hợp đồng tập trung, vẫn tạo điều kiện cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) “độc chiếm” những thị trường tập trung, gây bất lợi cho ngành gạo.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo, cho rằng quy định về thị trường tập trung cần phải thay đổi. “Khi VFA đi đấu thầu cần có sự đồng thuận giữa các DN trong hiệp hội, thông tin phải minh bạch trước khi ký kết và công khai hợp đồng tập trung. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng về giao dịch tập trung và ai đáp ứng được tiêu chí thì được tham gia. Đồng thời nên thực hiện các hợp đồng tập trung theo hướng thông qua cơ chế đấu thầu công khai” - GS Xuân nói.

Tán đồng quan điểm này, nhiều đơn vị xuất khẩu gạo cho rằng khi quy định về xuất khẩu gạo thị trường tập trung không thay đổi thì đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung vẫn nằm trong tay hai ông lớn là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II). Bên cạnh đó VFA vẫn nắm quyền phân bổ lượng gạo xuất khẩu hợp đồng tập trung. Điều này là không tốt cho hạt gạo Việt. Bởi giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều trường hợp rất thấp, gây thua lỗ cho DN được phân giao chỉ tiêu và trực tiếp đẩy giá lúa thu mua cho nông dân giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới