Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập, cho biết công ty thường xuất khẩu gạo đi thị trường Mỹ nhưng gần đây không biết chất nào bị cấm tại thị trường Mỹ. Khi hàng đến Mỹ mới biết phải niêm phong hàng, gửi kho, chờ kiểm định xong mà đạt tiêu chuẩn, không có chất cấm thì mới được giao cho khách hàng. Có nghe DN khác trong ngành gạo nói rằng những lô nào có dính chất cấm thì phải xuất ngược về. Những loại kết quả kiểm định tại Việt Nam như kiểm định của Vinacontrol thì Mỹ không cần xem! Vì vậy xin cơ quan quản lý xem xét cho DN khỏi kiểm dịch thực vật tại Việt Nam nữa vì mất công, mất tiền mà không dùng được.
Bà Tô Tuệ Lang, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận kiến nghị rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ (C/O). Bà cho biết để xin C/O thường mất ba ngày. Thêm năm ngày chuyển phát nhanh nữa thì tổng cộng mất tám ngày mới đến tay khách hàng. Với những thị trường xa như châu Âu, Mỹ, tàu đi 20 ngày thì không thành vấn đề vì C/O đến trước. Nhưng với thị trường Nhật, Hong Kong thì hàng đi chỉ mất 5-7 ngày chạy tàu mà tám ngày mới gửi được C/O đến khách hàng.
Tham tán Đào Trần Nhân, phụ trách thị trường Hoa Kỳ, cho biết hằng năm Mỹ dùng 2,5 tỉ đôi giày, trung bình mỗi người dùng tám đôi giày. Thuế thu từ giày hơn 2,7 tỉ USD. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Hoa Kỳ thì khi TPP thực thi, Việt Nam sẽ tăng xuất giày dép thêm 32%. Tôi cho rằng DN Việt nên tận dụng cơ hội do TPP mang lại, tăng thu hút đầu tư nước ngoải, phân bố lại nguồn lực trong nước, sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
Xuất khẩu thanh long. Ảnh minh họa
Ông cũng cho biết hiện chỉ có bốn loại hoa quả tươi là thanh long, chôm chôm, vải, nhãn chính thức xuất vào Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc thêm để có thể xuất thêm xoài và vú sữa. Rất nhiều DN liên hệ thương vụ, nhờ thương vụ tìm giùm đối tác Mỹ để họ xuất chanh tươi, chanh leo... vào Mỹ mà DN không biết rằng phải mất 5-7 năm mới làm xong thủ tục xuất một loại quả vào Hoa Kỳ.
Ông Phan Minh Thông (công ty Phúc Sinh) cho biết công ty này chuyên xuất khẩu tiêu. Khi xuất sang thị trường châu Âu thì gặp rất nhiều vấn đề, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu. Một công ty xuất khẩu thì chỉ lo được chuyện tiêu sạch, thị trường, còn chuyện dư lượng thuốc trừ sâu thì liên quan sâu xa đến những khâu trồng trọt, thu hoạch, bảo quản. Cho nên DN xuất tiêu đi thì gặp rất nhiều vấn đề. Ông kiến nghị các cơ quan quản lý có biện pháp để giải quyết vấn đề thuốc trừ sâu để xuất khẩu tiêu được lâu dài.