KỶ NIỆM 37 NĂM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: 30-4-1975 – 30-4-2012

Gặp lại mình từ hồ sơ đi B

Và họ đã bồi hồi, xúc động khi bắt gặp lại hình ảnh chính mình ngày xưa - cái thời trẻ trai hào hùng, nhiệt huyết...

Hôm qua, 27-4, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật của cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Ngãi từ miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam giai đoạn 1955-1975 (lúc đó gọi là đi B). Nhân dịp này, Quảng Ngãi cũng đã bàn giao hơn 5.500 hồ sơ cho các cán bộ, chiến sĩ đi B hồi ấy. Những cán bộ, chiến sĩ ngày nào giờ trên đầu đã có hai thứ tóc bỗng bồi hồi, xúc động khi bắt gặp lại hình ảnh chính mình thời son trẻ nhiệt huyết, hào hùng khi đứng trước những kỷ vật gắn liền với những năm tháng không thể nào quên.

Ký ức một thời

Ngay từ sáng sớm, cụ Lê Văn Hóa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Nghĩa Bình, nay đã 86 tuổi, đã đến Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi để dự lễ trao hồ sơ kỷ vật. Cụ nhớ lại: “Hồi đó khi tập kết ra miền Bắc mình chỉ mang theo cái ba lô. Ra đó học tập, công tác, ở thì đã có cơ quan lo, ăn thì cơm tập thể nên khi đi B mình chỉ gửi lại bộ hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, sổ mua gạo phân phối, thẻ cán bộ cho Ủy ban Thống nhất giữ giùm. Nhưng nó là kỷ vật của một thời”.

Đến khi nhận lại hồ sơ, cụ xúc động, bàn tay run run cứ lật từng trang, từng trang trong tập hồ sơ giấy đã ngả màu. Lòng bồi hồi, cụ kể: “Hồi đó hễ nói đi B tất cả chúng tôi đều hiểu mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nhưng đi B là trở về Nam, là vinh dự có mặt trên tuyến đầu đánh Mỹ mà cũng là cơ hội để gặp lại người thân nơi quê nhà nên chúng tôi hăm hở lắm. Lúc mình đi B (tháng 6-1959), đường Trường Sơn mới bắt đầu mở nên từ sông Bến Hải trở vô chỉ là lối mòn. Trên đầu bom pháo nhưng mặc kệ, cứ gắng sức mà đi. Nơi nào địch đánh phá dữ dội thì đi đường vòng, tính ra phải mất gần ba tháng mới về đến Quảng Ngãi. Vì phải đảm bảo bí mật hoạt động nên tên cha mẹ đặt cho mình cũng phải cất đi, đồng thời mình lấy tên khác là Lê Thanh Hai. Hết đảm nhận nhiệm vụ làm trưởng Ban Quân dân y tỉnh Quảng Ngãi rồi trưởng Ban Y tế khu 5, hiệu trưởng Trường Y Dược Trung Trung Bộ (đóng ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà) nhưng mình đâu thể gặp vợ con.

Những cán bộ đi B gặp lại mình qua hồ sơ được trao lại sau nửa thế kỷ. Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Đêm từng đêm mắt cứ nhìn về phía đồng bằng mà nhớ, mà mong. Nhưng rồi mãi đến khi kết thúc chiến tranh tính ra mình chỉ gặp được vợ có hai lần trong hai dịp về công tác ở đồng bằng. Cuộc gặp cũng chỉ diễn ra trong vài chục phút, chưa kịp nói lời yêu thương là phải đi ngay vì địch sắp càn. Nhưng đó là những cuộc gặp hạnh phúc của những người cán bộ đi B như mình”.

Còn ông Đinh Trọng Bơm, dân tộc H’Rê ở huyện Minh Long, lại được trở về Nam công tác trong ngành thương nghiệp tỉnh Đắk Lắk cuối năm 1970. Khi đó ông đã có vợ (người Thái Nguyên) và một người con mới bảy tuổi. Ông kể: “Mình dân miền Nam ra Bắc học tập rồi đi B nên lòng sao tránh khỏi “ngày Bắc, đêm Nam”. Trên đất Bắc nhớ miền Nam quay quắt. Nhưng khi đi B về được miền Nam thì lại nhớ miền Bắc không nguôi, nơi vợ con mình phải ngày đêm mong ngóng.

Ngày đi B, theo yêu cầu của tổ chức, mình gửi lại tất cả hồ sơ kỷ vật, trong đó có bức ảnh chụp chung với vợ con. Đến khi vào chiến trường Tây Nguyên trong những ngày mưa rừng, mình càng nhớ miền Bắc, nhớ cái bản nhỏ ở quê nhà Quảng Ngãi mà có về thăm được đâu. Công việc cuốn hút, lúc nhớ nhà, anh em chỉ còn biết động viên nhau rằng muốn mau được gặp vợ con thì phải dốc sức cho ngày toàn thắng”.

Kỷ vật sống mãi

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ngãi có hàng ngàn người đi tập kết. Trong số họ, nhiều người có vợ, có chồng ở miền Bắc nhưng lòng vẫn nhớ về miền Nam nên xung phong đi B làm nhiệm vụ trên khắp chiến trường Trung Bộ, Nam Bộ. Hoặc có những người trước khi tập kết đã có vợ con ở miền Nam nên đi B là dịp để “về nhà” gặp lại người thân, dù thực tế không phải ai cũng may mắn được tranh thủ ghé thăm nhà.

Ông Đinh Trọng Bơm xúc động khi đọc lại hồ sơ đi B của chính mình trên những trang giấy đã ố vàng. Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Trước khi lên đường họ gửi lại toàn bộ hồ sơ kỷ vật cho Ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Đi qua chiến tranh, nhiều người đã không trở về nên nhiều gia đình không có một kỷ vật của người thân. Điều may mắn là 20 năm sau ngày thống nhất, hồ sơ đi B được Chính phủ giao lại cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước). Ngày 19-2-2011, Cục Văn thư lưu trữ chuyển trả hồ sơ kỷ vật cho tỉnh Quảng Ngãi để địa phương bàn giao lại cho cán bộ, chiến sĩ hoặc người thân của họ.

Tại buổi lễ trao hồ sơ kỷ vật đi B, ban tổ chức đã bố trí ba máy vi tính chứa khá đầy đủ dữ liệu để thân nhân và cán bộ đi B tra cứu tìm hồ sơ, kỷ vật ngày nào. Anh Nguyễn Tấn Đối, con ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cán bộ đi B ngày xưa, hớn hở khoe: “Mình rất phấn khởi khi tìm ra bộ hồ sơ của ba gồm 59 trang, qua đó giúp mình hiểu hơn về đoạn đời trước đây của ba mình, giúp mình hiểu và yêu kính ba mình hơn”. Còn ông Lê Thanh Phương, quê ở Nghĩa Hành, cán bộ đi B năm 1965, nhận bộ hồ sơ trong đó nhiều tờ đã ố vàng. Ông xúc động nói: “Hồ sơ kỷ vật của một thời nhưng là của một đời theo cách mạng. Mình mang về làm kỷ niệm, để cho con cháu biết một thời gian khổ mà hào hùng của cả dân tộc mà mình may mắn được tham gia…”.

Trong hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có nhiều bức thư chứa đậm tình người. Một trong số đó là bức thư của người vợ từ miền Nam gửi ra Bắc cho ông Lê Sinh Lai, cán bộ đi B quê ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành. Trong thư có đoạn: “Kính gửi “ông hàng xóm” yêu quý. Nhận được hai lá thư của anh em đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn thấy là chưa đủ… Em chờ mong và hy vọng ngày anh trở về…”.

Những bức thư thấm đẫm tình cảm nhớ nhung, mong ngóng của người vợ yêu thương nơi quê nhà đã được ông Lai mang theo mình trong những ngày sống trên đất Bắc. Tình cảm ấy đã mở lối, thúc đẩy ông tình nguyện đi B về lại miền Nam, hòa chung cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc.

VÕ QUÝ CẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới