Trang bị máy đo thân nhiệt, tổng vệ sinh, sát khuẩn toàn trường, liên tục thông báo đến phụ huynh tình hình dịch… là những việc được các trường thực hiện một cách khẩn trương.
Vệ sinh toàn trường
Để chuẩn bị cho học sinh (HS) trở lại trường, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch chi tiết về phòng, chống dịch bệnh với nhiều biện pháp được thực hiện.
Theo đó, nhà trường tiếp tục tổng vệ sinh toàn trường, khử khuẩn tất cả phòng học, khu vực bằng chloramin. Bên cạnh đó, trường còn chuẩn bị sẵn khẩu trang, thuốc y tế, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay. Ngoài ra, trường còn trang bị bảng thông tin về tuyên truyền phòng, chống bệnh. Trường cũng tập huấn cho giáo viên về kiến thức, kỹ năng phòng, chống bệnh, yêu cầu giáo viên nắm bắt kỹ tình hình HS.
Tại các trường mầm non, vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 được hiệu trưởng các trường đặc biệt quan tâm. Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận Bình Tân cho biết cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường đã tham gia sát khuẩn, khử trùng lần hai toàn bộ các khu vực.
Nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn dung dịch rửa tay nhanh, xà bông cục dùng cho các bé rửa tay tại lớp, khu vực ngoài lớp, nước rửa tay dành cho giáo viên…
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, cho biết thứ Sáu trường sẽ tiến hành phun thuốc khử khuẩn lần hai, còn thứ Bảy trường sẽ tổng vệ sinh một lần nữa trước khi đón HS trở lại.
Cũng theo ông Thảo, trường đã chuẩn bị sẵn hai máy đo nhiệt, khẩu trang, nước xà bông được bố trí thêm rất nhiều ở khu vực rửa tay.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 được tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: NTCC
Nhiều trường ở TP.HCM bố trí phòng cách ly
Tại khu vực quận 11, nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, công tác chuẩn bị cho HS trở lại trường cũng được các trường rốt ráo thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, cho biết trường có 594 HS với 20 lớp, trong đó 91% là HS người Hoa. “Có năm HS của trường cùng gia đình đến Trung Quốc trong dịp tết Nguyên đán. Trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe các em và ghi nhận không có biểu hiện bất thường” - ông Luận cho biết.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh có một HS có thân nhân trở về từ Trung Quốc vào ngày 8-1 và giáo viên chủ nhiệm luôn liên lạc với gia đình để giám sát sức khỏe HS này. “Bên cạnh đó còn có bốn HS và hai giáo viên của trường đi du lịch ở Đài Loan, Thái Lan và Indonesia. Qua giám sát ghi nhận sức khỏe của những HS và giáo viên nói trên bình thường” - ông Bùi Văn Chiến, Hiệu trưởng, thông tin.
Theo ông Chiến, trường có trên 1.100 HS với 29 lớp, trong đó gần 60% HS là người Hoa. Ngoài phòng y tế chăm sóc HS những bệnh thông thường, trường đã sử dụng phòng giáo viên bố trí thành phòng cách ly dành cho những HS có biểu hiện nhiễm COVID-19 trong thời gian chờ cơ quan y tế đến xử lý.
Trên địa bàn quận 11, ngoài Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Trường THCS Lữ Gia và Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nhỏ cũng đã bố trí phòng cách ly.
Bộ GD&ĐT: Tỉnh nào không có dịch có thể cho học sinh đi học
Chiều 13-2, Bộ GD&ĐT có công văn gửi giám đốc các sở GD&ĐT các tỉnh, TP, thủ trưởng các đại học, học viện, các trường đại học về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi HS, sinh viên đi học trở lại.
Theo đó, giám đốc Sở GD&ĐT, giám đốc đại học, học viện, cao đẳng… tham mưu UBND các tỉnh, TP tăng cường nhân lực y tế cho trường học. Bố trí đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Các địa phương không có dịch có thể cho HS đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh trường lớp. Hướng dẫn HS, cha mẹ HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng, chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch COVID-19, giúp cho HS biết cách phòng bệnh.
Với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho HS trở lại khi đã có biện pháp phòng bệnh.
Tính đến nay, tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP Đà Nẵng… đã có văn bản đồng ý cho HS đi học trở lại từ ngày 17-2.
Bộ Y tế: Học sinh, giáo viên không cần đeo khẩu trang ở trường Chiều 13-2, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng có văn bản góp ý về nội dung phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Văn bản có đoạn nêu rõ: Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên của trường, cha mẹ HS, HS không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. Về vấn đề này, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định một trong những vấn đề cần quan tâm nhất trong thời điểm HS chuẩn bị đi học trở lại là phòng ngừa phát sinh dịch COVID-19 ngay trong chính môi trường trường học. Theo BS Tuấn, cần xác định đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa đường lây nhiễm COVID-19 nói riêng và các loại bệnh hô hấp nói chung. Cũng theo BS Tuấn, các em HS lớn sẽ có ý thức tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng theo khuyến cáo tốt hơn, còn HS mẫu giáo, cấp 1 ý thức vệ sinh cá nhân còn chưa tốt. Việc cho các bé đeo khẩu trang y tế và bắt buộc các em phải đeo đúng cách cả ngày sẽ khó thực hiện. Trong tình huống này, các bé không tiếp xúc với người bệnh và không phải là bệnh nhân nên có thể sử dụng khẩu trang vải in hình ngộ nghĩnh, thay thế cho khẩu trang y tế. Bên cạnh đeo khẩu trang, cần áp dụng nhiều biện pháp vệ sinh khác như rửa tay. Khi ho, sổ mũi phải sử dụng khăn giấy che và bỏ vào thùng rác, sau đó rửa sạch tay… Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao thể trạng cho trẻ... Những việc làm này không chỉ giúp trẻ phòng ngừa dịch COVID-19 mà còn nhiều bệnh khác. |