GDP nó “chạy” vào các báo cáo thành tích

Còn Trưởng ban kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ, từng giữ các chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì từng đặt câu hỏi: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”.

Nó chạy đi đâu thì có trời mà biết. Song người dân thì biết chắc rằng hai cộng với hai không thể bằng một, biết chắc rằng 100.000 đồng năm nay không mua nổi một yến gạo như năm ngoái.
Bởi đơn giản, họ nhìn vào cuộc sống bằng giá cả ngoài chợ và sức mua của đồng tiền trong ví chứ không nhìn vào các con số với những ký hiệu nào là GDP, CPI mà thật ra không phải người nào trong dân chúng cũng hiểu được.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, có một người đã nói “rất thật” vào sự thật:
“Đến lúc chúng ta phải cùng nhau bàn về cách tính GDP của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta kế thừa cách tính theo Liên Xô trước đây và kéo dài cho đến hôm nay thì không thích hợp nữa rồi. Bây giờ nói rất thật, cách tính GDP của các tỉnh, thành hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai cả. Đây là một sự thực, chúng ta không thể kéo dài trong khi đã đổi mới và hội nhập”.
Ông cũng cho biết, đi làm việc, tỉnh nào cũng báo cáo (tăng trưởng GDP) từ 9 đến 14%, trong khi cả nước chỉ 5,8%. Ông yêu cầu “Chúng ta cần những con số thật” cho dù “Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm của các địa phương”.
Người phát biểu trên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhìn vào thông điệp của người đứng đầu chính phủ, người dân thấy ngay cái lắc đầu cương quyết với căn bệnh thành tích đã tồn tại ở hầu khắp các địa phương từ hàng chục năm nay.

GDP thấp hơn, thành tích ít đi, nhưng mỗi 100.000 đồng mua được nhiều hơn, đó mới là điều mà người dân cần, chứ không phải bóp nát trán để giải một “bổ đề cơ bản” mà một đứa bé lớp 1 cũng quả quyết ngay là sai nghiệm: Hơn 60 tỉnh thành, nơi nào cũng tăng trưởng 9%, 10%, 11%, 12%, 13%, 14% trở lên, nhưng nếu cộng lại bình quân thì cả nước mình chỉ có “năm phẩy mấy”.

Theo Đào Tuấn (Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm