Ấy thế nhưng lúc này tôi ước mình được dùng đòn roi để trị những du khách Trung Quốc “ba trợn” khi họ đi du lịch sang nước mình. Bởi những hành vi của họ đúng là đáng đánh đòn “bêu đít”, vì hành vi họ thể hiện như những đứa trẻ hiếu động, kể cả họ có chủ đích theo sự hay đơn giản chỉ đúng là những đứa trẻ to xác, lớn tuổi đi du lịch sang Việt Nam.
Nói những điều trên đây là vì tôi mường tượng đến một hình phạt “trẻ con”, hầu như chỉ có ở thời phong kiến nhưng lại vẫn hiện diện, có hiệu lực rất nghiêm minh trong thời hiện đại này. Đó là hình phạt vi cảnh lạ lùng của đảo quốc sư tử Singapore.
Hẳn bạn đọc còn nhớ tòa án Singapore từng tuyên án đánh roi và chín tháng tù giam cho hai du khách Đức vì đã xịt sơn vẽ bậy lên tàu điện của đảo quốc này. Hai du khách đã kịp di chuyển sang nước khác nhưng rồi vẫn bị bắt ngay tại sân bay và bị dẫn độ về Singapore. Nhiều tổ chức đã chỉ trích kịch liệt Singapore, gọi việc đánh roi là hình thức tra tấn, dã man, phi nhân văn. Mặc kệ ai nói gì thì nói, Singapore vẫn lên tiếng cho rằng bản án của tòa tuyên đã có hiệu lực pháp luật và nó phải được thi hành nghiêm minh. Chính quyền cho rằng Luật Chống phá hoại của Singapore áp dụng đối với bất kỳ ai vi phạm, bất kể người vi phạm là ai, công dân Singapore hay người nước ngoài.
Nói công bằng, nhiều vụ người nước ngoài bị đánh roi ở Singapore đã gây tranh cãi khá dữ. Trong đó có vụ một thiếu niên người Mỹ phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994 bị tuyên phạt sáu roi. Tổng thống Mỹ khi ấy đã tác động để công dân của mình không bị đánh. Vì ngoại giao, chính quyền Singapore có giảm xuống bốn roi nhưng vẫn nhất quyết thi hành bản án.
Tôi nghĩ những án phạt như vậy có tác dụng răn đe rất kinh khiếp khiến du khách ở bất kỳ quốc gia nào khi đến Singapore cũng sẽ “chợn”, không dám nói bậy, làm càn.
Gần đây, hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn khách du lịch tại một số địa phương có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đặc biệt có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch, không dùng tiền Việt Nam khi mua hàng hóa, thậm chí một số hướng dẫn viên Trung Quốc còn ngang nhiên xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Hành vi không tiêu tiền Việt Nam, đốt tiền Việt Nam đã vi phạm các quy định về ngoại hối, các quy định về nghĩa vụ của khách du lịch. Hành vi hành nghề hướng dẫn du lịch trên lãnh thổ Việt Nam của người Trung Quốc đã vi phạm Điều 72, 73 Luật Du lịch 2005 và Điều 31, 32 Nghị định 92/2007. Theo đó, người nước ngoài không được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế) và không được phép hành nghề này tại Việt Nam. Chỉ có người có quốc tịch Việt Nam và có đủ các tiêu chí thì mới được cấp thẻ.
Nếu vi phạm, người nước ngoài thực hiện việc hướng dẫn du lịch ở Việt Nam sẽ bị phạt hành chính 15-20 triệu đồng theo điểm b khoản 6 Điều 44 Nghị định 158/2013. Còn công ty lữ hành sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng theo điểm d khoản 4 Điều 42 Nghị định 158/2013.
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã mở rộng thẩm quyền xử phạt trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, chính quyền địa phương, thanh tra chuyên ngành đều có thẩm quyền xử phạt trong các trường hợp này. Các nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng chỉ rõ các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực. Vấn đề là chúng ta có làm nghiêm, làm một cách có trách nhiệm hay không mà thôi. Những câu chuyện du khách khiếm nhã, hướng dẫn viên du lịch chui và xuyên tạc sự thật cần bị lên án để bài trừ. Luật đã có, hễ ai vi phạm là chính quyền phải xử lý nghiêm minh để răn đe.
Khách du lịch mang đến nguồn thu cho quốc gia nhưng không phải vì vậy mà được hoan nghênh kể cả khi “giở quẻ”. Chúng ta hiếu khách nhưng chỉ là với khách biết tôn trọng chủ nhà. Chúng ta cần khách nhưng là khách có chọn lọc để tính tôn nghiêm của dân tộc được tôn trọng tuyệt đối.