“Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng người Trung Quốc (TQ) núp bóng điều hành phần lớn hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách nước này tại Nha Trang (Pháp Luật TP.HCM ngày 27-5 đã phản ánh)” - ngày 27-5, bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Tour “tù” khép kín
Ông NNV, chủ một chuỗi nhà hàng ở TP Nha Trang, cho biết mới đây một thương nhân người TQ đặt vấn đề thuê lại chuỗi nhà hàng của ông. ông V. không đồng ý thì thương nhân TQ lại đề nghị ông ký hợp đồng để các nhà hàng này chỉ chuyên phục vụ cho du khách TQ đi tour. Tuy nhiên, ông V. vẫn không chấp nhận do thấy trong hợp đồng kèm theo nhiều điều kiện bất hợp lý, ví dụ như phải thay ngay đầu bếp bằng người TQ...
Theo một số người kinh doanh lữ hành ở Nha Trang, tour “tù” là từ mới xuất hiện gần đây để chỉ các đoàn du khách TQ có hoạt động du lịch, dịch vụ khép kín khi đến Khánh Hòa. Tour này chỉ đưa du khách đến những địa điểm, nhà hàng, khách sạn nằm trong đường dây riêng. Các giao dịch trong tour thường bằng nhân dân tệ.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Công ty Trầm hương Khánh Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Nha Trang, giải thích thêm: Phần lớn hoạt động du lịch, lưu trú, dịch vụ phục vụ các đoàn du khách TQ đều do các doanh nghiệp lữ hành do người TQ đứng sau điều hành.
“Ngoài việc gây thất thu thuế do không xuất hóa đơn GTGT, điều bức xúc nhất là các cơ sở kinh doanh này bày bán nhiều sản phẩm giả mang thương hiệu Khánh Hòa. Nhiều du khách TQ ít hiểu biết về Khánh Hòa đã mua phải đồ dỏm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới những thương hiệu sản phẩm ở Khánh Hòa” - ông Tưởng nói.
Ông Tưởng dẫn chứng sản phẩm được du khách TQ mua nhiều nhất khi đến Nha Trang là trầm hương Khánh Hòa, vốn nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, các cơ sở chuyên phục vụ khách TQ lại nhập hàng dỏm, kém chất lượng từ đâu không rõ (dùng gỗ nhẹ, phun tinh dầu vào, dán nhãn hiệu trầm hương Khánh Hòa) rồi bán cho khách.
Du khách mua hàng tại cửa hàng Hải Thiên, nơi bị cơ quan chức năng bắt quả tang đang giao dịch trái phép bằng nhân dân tệ. Ảnh: TẤN LỘC
Cả tỉnh vào cuộc ngăn chặn
Đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa, xác nhận hiện nay nhiều khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ trên danh nghĩa người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế người TQ đứng sau điều hành. “Các chủ khách sạn, nhà hàng (người Việt - PV) cứ đi chơi, hằng tháng họ (người TQ) trả tiền. Do luật không cấm chuyện hợp tác kinh doanh nên chúng tôi không thể xử lý” - Đại tá Nghĩa nói.
Trao đổi với PV, ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, khẳng định đến nay Sở chưa hề cấp phép cho lao động TQ nào làm việc trong lĩnh vực du lịch. “Sở LĐ-TB&XH chỉ quản lý những lao động nước ngoài được cấp phép. Những người TQ đi du lịch có thời hạn do ngành du lịch, công an địa phương quản lý. Việc kiểm tra lao động đối với những du khách này khó khăn do họ lấy danh nghĩa đi du lịch, trong khi các doanh nghiệp thì không đăng ký” - ông Trí cho hay.
Theo bà Phan Thanh Trúc, thực tế có nhiều người TQ làm hướng dẫn viên du lịch chui tại Nha Trang. “Những người này làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách TQ, đi nhiều nơi trong khi lực lượng thanh tra ít người nên rất khó phát hiện. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ nói là du khách đi cùng đoàn, mình đành chịu!”.
Bà Trúc cho biết thêm: Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Du lịch đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh tập trung rà soát, kiểm tra người nước ngoài tham gia trong hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành tại Khánh Hòa.
Theo ông Trần Sơn Hải. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để ngăn chặn hiện tượng trên, cần làm rõ việc “đầu nậu” bên TQ gom khách, đưa qua cho “đầu nậu” tại Việt Nam, sau đó tổ chức kinh doanh trục lợi.
“UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Du lịch phối hợp công an tỉnh theo dõi, kiểm tra việc quản lý khách lưu trú tại các khách sạn, nhà cho thuê đối với người nước ngoài. Qua đó sẽ phát hiện những người nước ngoài đi du lịch thật sự hay đi làm việc khác” - ông Hải nói.
Ngoài ra, từ nay đến cuối tháng 6-2016, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cơ sở chuyên phục vụ người nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng vào cuộc kiểm tra hoạt động ngoại tệ tại các cơ sở chuyên phục vụ khách nước ngoài.
Nếu thỏa thuận “đuổi khách” thì vi phạm Luật Cạnh tranh Khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh có quy định về hành vi thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo đó, nếu các doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau để giới hạn đối tượng khách hàng hoặc chỉ phục vụ trong địa bàn này, không phục vụ ở địa bàn khác… là vi phạm. Vấn đề là phải chứng minh được các doanh nghiệp đó có thỏa thuận với nhau và phải chứng minh họ chiếm từ 30% thị trường liên quan trở lên. Chỉ bàn về góc độ thương mại, tiêu dùng thì trong trường hợp ở Nha Trang, nếu người tiêu dùng Việt Nam vẫn dễ dàng chọn được nhà hàng, khách sạn, cửa hàng... để phục vụ cho mình thì tôi nghĩ các doanh nghiệp TQ chưa gây được trở ngại gì cho người tiêu dùng Việt cả. Còn nếu khách Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm địa điểm nhà hàng, khách sạn khác để ăn, nghỉ, mua sắm thì lúc đấy cơ quan quản lý nhà nước mới đặt vấn đề xác định thị phần có trên 30% hay không. Và phải tìm chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của DN. Nếu bị chứng minh có vi phạm, các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Theo Nghị định 71/2014, từng doanh nghiệp có tham gia thỏa thuận sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm nếu “Thỏa thuận về số lượng hoặc địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm khách hàng đối với mỗi bên tham gia thỏa thuận”. Doanh nghiệp có thể bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định không ép buộc doanh nghiệp sau khi bị xử phạt thì phải phục vụ rộng rãi đối tượng khách hàng hơn. Nếu các doanh nghiệp vẫn vi phạm thì cơ quan nhà nước cứ phạt tiếp thôi. TS NGUYỄN NGỌC SƠN, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng Q.NHƯ ghi |