Ghi ngành nghề: Lợi cho DN!

Trong tờ trình Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về sửa Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005, bộ này liệt kê ba vấn đề “còn nhiều ý kiến khác nhau”, đó là vấn đề về DN nhà nước, đăng ký DN và ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký DN (giấy phép).

Bỏ cho đỡ... hình thức

Rất nhiều DN cho rằng nên bỏ việc ghi ngành nghề trên giấy phép. Lý do chính là để giảm thủ tục hành chính.

Đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 8-4, đã phản ánh “kinh doanh thương mại mà phải hài ra chi tiết bán từng thứ hành, tiêu, tỏi, ớt... nên giấy phép của công ty dài sọc”. Mỗi lần muốn bán thêm mặt hàng nào lại phải đi sửa đổi, bổ sung ngành nghề, giấy phép ngày càng dài thêm!. Có lần công ty muốn nâng cấp sản phẩm, thay vì bán rau củ quả nguyên thì gọt rửa sạch đi rồi bán, thế là phải đăng ký bổ sung ngành nghề “sơ chế rau củ quả”. Nộp hồ sơ xong thì bị yêu cầu chờ 4-5 sở, ngành họp lại xem xét địa điểm có phù hợp với ngành nghề sơ chế không. Mất mấy tháng sau công ty mới được làm.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP, cho biết việc ghi ngành nghề không mang tính thực chất, vì DN có thể liệt kê rất nhiều mà chỉ kinh doanh một, hai ngành. Việc ghi ngành nghề chỉ làm tốn giấy!

 
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTV

Ghi để quản lý, quy hoạch

Theo tờ trình của Bộ KH&ĐT thì có ba loại ý kiến. Một là không ghi ngành nghề kinh doanh. Hai là chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện nếu DN dự kiến kinh doanh ngành đó. Ba là DN cứ ghi ngành nghề, cơ quan quản lý thực hiện xếp mã ngành. Bộ KH&ĐT kiến nghị chọn phương án hai.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP, cho rằng DN đăng ký ngành nghề kinh doanh là để cơ quan quản lý biết được DN muốn làm gì. Từ đó phục vụ cho công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP, cho rằng: “Không có lý gì anh kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý. Thủ tục đăng ký hiện cũng rất dễ dàng. Nếu không cần ghi ngành nghề trước mà để DN  muốn làm gì thì làm sẽ dẫn đến không biết được DN muốn làm gì. Ta có thực tế rồi, ví dụ gần chùa Xá Lợi là một loạt lẩu cá kèo nhảy tưng tưng, làm sao các nhà sư chịu được? Rồi thì cứ ngay chỗ kẹt xe mà anh mở nhà hàng, siêu thị thì càng gây kẹt xe hơn. Không đăng ký thì làm sao quản lý cho phù hợp?”.

Thất bại về thống kê điều kiện

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị một phương án khác. Đó là không ghi ngành nghề kinh doanh và có một tuyên bố in sẵn với nội dung “DN có quyền kinh doanh trong tất cả ngành nghề trừ các ngành nghề mà pháp luật cấm theo Phụ lục 1 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ KH&ĐT. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong danh mục tại Phụ lục 2 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ KH&ĐT, DN chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định...”.

Để theo phương án của VCCI, cần có Phụ lục 1 và Phụ lục 2 rõ ràng cho DN tham khảo. Phụ lục 1 thì hiện khá rõ. Thế nhưng Phụ lục 2 lại có vấn đề.

Hiện có Nghị định 59/2006 về danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng rõ ràng nghị định này thất bại vì có quá nhiều thứ “giấy phép con”, điều kiện kinh doanh không nằm trong nghị định này vẫn tồn tại nhiều năm. Việc tập hợp thành một phụ lục e rằng lại không xong.

QUỲNH NHƯ

 

Ghi ngành nghề mới biết... đối thủ

Một cán bộ về đăng ký kinh doanh cho biết việc bỏ ghi ngành nghề này bàn qua nhiều lần làm Luật DN rồi, từ Luật DN 2000 đến Luật DN 2005 đều bàn nhưng lúc đấy chưa có nhiều ý kiến ủng hộ, nay vẫn lật lại bàn xem thế nào, có vẻ nhiều ý kiến ủng hộ hơn.

Tuy nhiên, có vẻ như các DN chưa rõ lợi ích của mình khi ghi ngành nghề. Khi ghi, DN chỉ mất công ghi lần đầu, khi đăng ký thêm thì làm thủ tục đổi giấy phép. Nhìn chung về thủ tục thì không nặng nề. Trong khi đó DN được cái lợi rất lớn. Một là DN dựa trên đăng ký kinh doanh của DN khác mà ước tính có khoảng bao nhiêu đối thủ cạnh tranh trong ngành, anh nào vốn lớn, các DN đối thủ đó tập trung ở tỉnh, thành nào, có chi nhánh tận đâu đâu... Từ đó mà DN ước tính thị trường cho mình. Hai là dựa trên thống kê ngành nghề này, cơ quan quản lý mới nắm được xu thế kinh doanh của DN, từ đó mà điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho DN.

Ở nhiều nước không ghi ngành nghề trên giấy phép. Tuy nhiên, khi DN đăng ký thành lập, vẫn phải liệt kê ngành nghề trong bộ hồ sơ đăng ký của họ. Những nội dung này không đưa hết vào giấy phép mà thôi. Cái lợi của việc này là khi DN thêm ngành thì chỉ phải gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phải làm thủ tục đổi giấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới