Chiều 11-10, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Theo đó, từ ngày 11-10, giá điện được điều chỉnh lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân tăng hơn 96,32 đồng/kWh. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, nằm trong mức được phép điều chỉnh của EVN.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11-10 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Nói về cơ sở tăng giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, cơ sở tăng giá điện được thực hiện theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cũng như các văn bản liên quan.
Theo ông Nam, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.
Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Trước đó, ngày 10-10, Bộ Công Thương đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo đó giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đ/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.