Tối 13-3, chúng tôi trở lại thăm gia đình bà Trần Thị Dung ở ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, gia đình đã được báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong bài viết “Gia đình 17 người nghèo xơ xác bên dòng kênh đen” ngày 10-3, đã có những tín hiệu vui.
Bữa tối ngon hơn Tết
Vài đứa trẻ đi ngủ sớm. Vài đứa trẻ khác đang ngồi xem tivi và vui vẻ cho biết chúng đã được ăn bữa tối ngon lành. Bình thường chúng chỉ ăn buổi xế. Mấy cậu bé vẫn mắc cỡ khi gặp người lạ nhưng bẽn lẽn: “Con ăn cơm rồi”. Chỉ có cô bé mồ côi tên Tiểu My (cháu gọi bà Dung là dì Ba), bé Trúc (cháu gọi bà Dung là bà ngoại Ba) và bé Huệ Ngọc (cháu ngoại ruột của bà Dung) là ăn tối sau cùng. Bà Dung nói: “Nhà đông, đứa nào đói ăn trước, không ăn một lúc được, cô ơi!”. Bữa tối của ba cô bé là một phần cá diêu hồng còn lại, các bé ăn ngon lành, loáng đã hết sạch cả cá lẫn cơm. Con gái bà Dung cho biết: “Sáng nay có một chị đi cùng gia đình mang vô cho nhà em cá, thịt, rau và 50 ký gạo. Tết tụi em được nhà hảo tâm tặng gạo và đồ ăn cho ăn Tết nhưng cũng không được ăn ngon như vậy”.
Bà Trần Thị Dung rất vui vì lần đầu tiên trong nhà có tới…100 ký gạo, các cháu của bà đã có bữa ăn tối. Ảnh: HỒNG MINH
Ăn xong phần bữa tối, bé Trúc, cô bé bụ bẫm nhất nhà, rón rén mở nắp nồi thịt bốc vụng thêm một miếng thịt kho bự. Mấy đứa trẻ khác nhao nhao phản đối: “Thịt đó là của ngày mai mà!”. Bà Dung chỉ cười trừ.
Có một độc giả của báo đã nhờ một xe ôm chở vào cho gia đình thêm 50 ký gạo nữa. Không chỉ chở gạo, bác xe ôm còn mang vào thêm một bọc quần áo sạch, trong đó có nhiều đầm đẹp cho các bé gái. Bà Dung cho biết chưa bao giờ nhà bà có 100 ký gạo như vậy. Mỗi ngày bà đều đi ra quán mua 2-3 ký gạo. Hôm nào có tiền nhiều thì mua năm ký. Bọn trẻ nếu được ăn hết sức, chúng ăn hết hơn năm ký gạo mỗi ngày. Ít ra trong vài ngày tới bọn trẻ không phải ôm bụng rỗng đi ngủ.
Huyện Bình Chánh chỉ đạo xác minh
Theo con gái bà Dung, Chủ nhật vừa qua hội phụ nữ và chính quyền xã đã đến thăm gia đình. Họ yêu cầu gia đình kê khai tên tuổi từng em để tìm hướng tháo gỡ khó khăn.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch MTTQ TP.HCM, cho biết sau khi đọc được thông tin trên báo, bà đã gọi điện thoại cho MTTQ huyện Bình Chánh để trao đổi. Bà nói: “Phía huyện đang tìm hiểu, xác minh hoàn cảnh của họ. Phải nắm rõ hoàn cảnh của họ rồi mới có hướng giải quyết căn cơ. Trước mắt là phải giúp cho bọn trẻ đi học”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 14-3, ông Phạm Nhật Trường, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND huyện Bình Chánh, cũng cho biết: “Huyện đã phê bình xã Bình Hưng thiếu sâu sát để hộ gia đình này sống trong điều kiện khó khăn nhiều năm trời.
Trước mắt huyện sẽ cho ngành chức năng nắm lại thông tin lý lịch của mọi người trong gia đình, nhất là các em nhỏ. Nếu có trẻ không phải cháu ruột và vẫn còn người thân thì sẽ vận động gia đình đón trẻ về nuôi. Nếu trẻ không có gia đình và không có quan hệ thân nhân với bà Trần Thị Dung thì huyện sẽ đưa các em vào cơ sở bảo trợ xã hội. Còn nếu các em nhỏ đều là con cháu bà Dung thì huyện sẽ xem xét xem gia đình họ còn có đất đai, chỗ ở nơi khác để an cư không rồi tính đến các phương án hỗ trợ căn cơ, cụ thể. Hiện nay gia đình bà Dung đang ở trên đất dự án, sắp phải giải tỏa”.