Giã gà con để chữa… xương, khớp

“Đau khớp, gãy chân, tay không cần đến BV mà chỉ cần giã nhuyễn gà con, bỏ một ít tiêu, rượu đắp vào chỗ đau, sau năm, sáu ngày mở ra, làm một, hai lần sẽ khỏi”. Sau bài “Chữa bá bệnh bằng… rễ cây (!)” đăng trên số báo trước, nhiều bạn đọc ở Long An cho biết ở ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước có một “thầy bó” chữa bệnh bằng phương thức phản khoa học như thế.

Chạy dọc theo tuyến đường 826, PV tìm đến nhà của “thầy bó”. “Thầy” khoảng 60 tuổi bước ra hỏi: “Đến đây làm gì, ai chỉ tới?”. Nghe tôi nói bị đau ở cổ tay, ông hỏi tiếp: “Tay bị sao, có chụp X-quang mang theo không?”. Tôi nói không thì ông bóp vào tay tôi một lúc rồi phán: “Xương bị sưng rồi nhưng không sao, đến đây hai lần chú bó thuốc là hết ngay”. Sau khi khám xong, ông bảo tôi xuống nhà dưới có người dẫn đi mua gà và ông căn dặn: “Phải hai con gà sống thì mới làm thuốc được”.

Ở phía sau nhà, một chị khoảng 30 tuổi đang dùng chày giã sáu con gà mới nở để chuẩn bị làm thuốc. Chị nói: “Tí đi mua gà, em mua thêm trái cây hay hộp bánh để cúng. Khi lên làm phép thì phải cúng tổ, ở đây thường người ta cúng vài trăm ngàn đồng là chuyện thường”.

Sau khi tôi đem gà về, “thầy bó” dẫn tôi đến bàn thờ tổ cúng bái họ tên. Tiếp nữa, người phụ nữ trên bỏ hai con gà vào cối giã, máu gà chảy ra tung tóe. Giã xong chị mang lên đưa “thầy bó”, ông bỏ một ít tiêu, rượu và hai muỗng gì đó giống như tro mà ông gọi là thuốc gia truyền trộn lẫn, dùng vải bó vào tay tôi. Bó xong “thầy” dặn: “Về nhà cứ 2 tiếng đổ thuốc vào chỗ bó và nhớ không được mở ra, Chủ nhật xuống đây chú mở”. Ông nói tiếp: “Đau tay như vậy chỉ cần bó hai lần là khỏi. Gãy tay, chân chú còn làm được nói gì mấy thứ nhẹ hều này”.

Giã gà con để chữa… xương, khớp ảnh 1

“Thầy bó” đang bó thuốc cho một bệnh nhân. Ảnh: NH

Dân địa phương cho biết người trong vùng ít đến “thầy bó” chữa bệnh mà toàn là những người từ nơi xa đến. Một người dân ở ấp Vạn Phước kể: “Mấy tháng trước tôi bị té gãy tay có đến thầy Mười bó thuốc, bó được ba ngày vẫn thấy nhức, mở ra thì thấy có dòi trong cánh tay bị bó!”.

Chị NTU ở Bình Chánh (TP.HCM) kể: “Tôi bị té trật tay, nghe giới thiệu tôi đã đến “thầy bó”. Mặc dù bị bó tay rất khó chịu nhưng tôi cố gắng bó đến ngày thứ tư thì thấy tay sưng lên, đau nhức. Tôi mở ra thì cánh tay ửng đỏ, tôi phải vào BV điều trị mới khỏi”.

Được biết “thầy bó” hành nghề trái phép đã mấy chục năm nay nhưng chính quyền địa phương không xử lý triệt để. Đại diện UBND xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước) cho biết: “Ông Mười tên thật là Nguyễn Hồng Chương, quê ở đây. Ông làm nghề này là cha truyền con nối, mặc dù không có giấy phép hành nghề, không để bảng hiệu nhưng người dân tự tìm đến nhờ chữa bệnh. Do đó, chúng tôi rất khó kiểm soát. Đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu ông ngưng hoạt động và buộc ông viết giấy cam kết không hành nghề nữa nhưng ông không nghe”.

Theo ông Phạm Ngọc Phước, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cần Đước (Long An), việc hành nghề y không phép thuộc thẩm quyền xử lý của xã, khi nào xã báo cáo về huyện yêu cầu giúp đỡ thì huyện sẽ chỉ đạo.

Với chứng trật đả tê thấp, cách chữa trị chủ yếu là xoa bóp, bấm huyệt và cho bệnh nhân dùng những vị thuốc cổ truyền. Không ai dùng thịt sống làm thuốc vì hầu hết các loại thịt sống chừng hai, ba ngày là bị thối rữa không có tác dụng điều trị bệnh.

Đối với những trường hợp gãy tay, chân, cách tốt nhất là người dân đến BV chấn thương chỉnh hình bó bột mới có thể khỏi được.

Lương y NGUYỄN THỊ HỒNG HOA, cơ sở thuốc cổ truyền Thiện Chí

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…