Ngày 15-12, ghi nhận tại một số chợ bán lẻ cho thấy giá heo vẫn không biến động nhiều như thịt heo đùi 90.000 đồng/kg, ba rọi 120.000-130.000 đồng/kg, sườn non 170.000-180.000 đồng/kg…Nhiều tiểu thương cho biết gần đến Tết nhưng mua bán ế ẩm.
BQL chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, ngày 15-12 lượng heo về chợ 5.231 con, trong đó heo từ các tỉnh 833,5 con chủ yếu là Long An.
Giá heo pha lóc như sườn non 120.000 đồng /kg, cốt lết 65.000 đồng/kg, giò sau 45.000 đồng/kg, ba rọi 100.000 đồng /kg.
Chợ ế ẩm khách mua hàng |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định năm nay thị trường thịt heo hoàn toàn “khác thường” so với những năm trước khi thông thường trước Tết khoảng hai tháng nhu cầu trong sản xuất thực phẩm chế biến chuẩn bị Tết cao sẽ đẩy giá heo hơi tăng.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 12 năm nay giá heo hơi bình quân 49.000-52.000 đồng/kg, xuống thấp nhất trong năm 2022.
Ngoài ảnh hưởng do dịch COVID-19, người chăn nuôi còn bị kiệt quệ bởi dịch tả heo Châu Phi không dám tái đàn. Cạnh đó, sang năm 2022 ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine khiến giá thức chăn nuôi tăng trên 40%, cộng các dịch vụ khác tăng 10%, đã đẩy giá thành sản xuất lên cao trong khi giá xuất chuồng thấp. Vì vậy, người chăn nuôi càng ít tái đàn hơn.
Tuy nhiên, từ các doanh nghiệp lớn trong nước đến DN có vốn đầu tư nước ngoài dù bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng họ có cả chuỗi sản xuất nên tăng đàn khá mạnh.
Một DN lớn tăng đàn bằng cả 100 hộ chăn nuôi tăng đàn nên nguồn cung thị trường dồi dào, dư thừa khiến giá heo tụt dốc. Đồng thời, còn một nguyên nhân khách quan nữa là do vừa qua lượng heo trong nước không được bán sang thị trường Trung Quốc.
“Thời điểm này thương lái mua heo tại trại Đồng Nai giá 49.000-52.000 đồng/kg trong khi giá tại thị Trung Quốc đang cao gấp đôi. Tương tự giá heo hơi tại Thái Lan thời điểm này cũng trên 70.000 đồng/kg. Có thể thấy giá heo hơi Việt Nam hiện đang thấp nhất so với một số nước trong khu vực”- ông Đoán nói.
Siêu thị khuyến mãi thịt heo thu hút khách hàng |
Theo ông Đoán, mặc dù hiện nay giá heo hơi tại trại đang xuống thấp, người chăn nuôi lỗ và tình trạng này kéo dài đến Tết nhưng người tiêu dùng có mua được giá rẻ hay không còn phụ thuộc vào khâu phân phối thị trường.
Đơn cử, giá heo hơi tuần nay chưa người nông dân nào bán được 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán lẻ đối với mặt hàng chân giò đã 60.000 đồng/kg, thịt ba rọi hơn 100.000 đồng/kg...cho thấy giá bán lẻ cao gấp ba lần so với giá heo hơi tại trại.
Bên cạnh đó, ông Đoán cho biết, qua các đợt dịch tả heo Châu Phi, đến dịch COVID-19 đã sàng lọc lại hoạt động của các hộ chăn nuôi trong hiệp hội.
Cụ thể, trong hiệp hội có một hộ đang nuôi 6.000 con heo nhưng qua một cơn dịch tả chỉ còn hơn 1.000 con, cộng với chi phí đầu vào chăn nuôi heo tăng cao nhưng bán ra giá thấp, không gồng gánh nổi. Do đó, heo đang lớn khoảng 50-60 kg họ cũng lo “đẩy đi".
“Bây giờ họ đã cho thuê lại trang trại dù trước đó đã đầu tư đến vài chục tỉ đồng. Mặt khác, những năm trước khi chưa có dịch bệnh, trọng lượng heo tiêu thụ tại chợ đầu mối Hóc Môn thì heo của Đồng Nai đóng góp đến 70% nhưng hiện nay giảm rất nhiều”- ông Đoán kể.
Theo ông Đoán, trước đây có ý kiến đề xuất Chính phủ nới lỏng các rào cản để được bán heo qua biên giới.
Chính phủ đã giao các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Đây là tín hiệu vui, người chăn nuôi cũng đang chờ đợi sự vào cuộc của các bộ ngành để chỉ đạo của Chính phủ trở thành hiện thực thì mới thực sự “cứu” người nông dân.