Thống kê của nền tảng nghiên cứu số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn cho biết trong ba tuần cao điểm của mua sắm cuối năm từ 20-12-2024 tới ngày 19-1-2025, người Việt đã chi 189,6 tỉ đồng để mua áo dài cho dịp Tết.
Theo đó, chỉ chưa đầy 1 tháng đã có hơn 756,6 ngàn sản phẩm áo dài Tết Ất tỵ được bán ra từ 2.089 gian hàng. Riêng hai tuần cuối của khảo sát là thời gian cao điểm để người tiêu dùng mua áo dài.
Đáng chú ý, đây chỉ là doanh số mà Metric thống kê trên hai nền tảng trực tuyến có lượt mua nhiều nhất là Shopee và TikTok Shop.
Thông tin với PLO, đại diện Metric nhìn nhận năm nay người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng trẻ rất yêu thích các mẫu áo suông, đơn giản nhưng vẫn giữ được nét truyền thống pha lẫn hiện đại. Theo đó các mẫu áo dài có từ khóa áo dài lông vũ, áo dài voan tơ, áo dài cách tân có cổ cánh sen thêu hoa… được tìm mua nhiều nhất.
Về phân khúc, các thiết kế ở phân khúc giá từ 200.000 - 350.000 đồng tạo ra doanh thu lớn nhất, đạt mức 106 tỉ đồng, chiếm 56% trong tổng sản lượng áo dài bán ra. Tiếp đến là sản phẩm có mức giá 150.000 - 200.000 đồng đem lại 21 tỉ đồng, xếp ở vị trí thứ 2. Các nhóm sản phẩm giá rẻ từ 50.000 - 75.000 đồng có ghi nhận doanh thu song rất ít. Tương tự, phân khúc tầm trung và cao cấp từ 1 triệu - 1,5 triệu cũng chỉ tạo ra doanh thu 4 tỉ đồng cho các nhà bán.
So sánh với số liệu bán áo dài trong dịp Tết 2024, đại diện Metric nhìn nhận áo dài đã trở thành mặt hàng mang lại doanh thu cao cho các nhà bán. Điều này cho thấy kênh mua sắm online ngày càng trở nên quen thuộc và được nhiều người dùng tin tưởng.
Dẫn số liệu minh chứng, Metric chỉ ra chỉ tính riêng sàn Shopee, dữ liệu thu thập từ 9 tuần trước Tết Nguyên đán 2024 doanh số sản phẩm áo dài đã đạt 213 tỉ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ 2023. Về phân khúc giá, khá trùng hợp với năm nay khi năm ngoái mức giá từ 200.000 - 350.000 đồng cũng chiếm đa số.
Trước đó, nền tảng lắng nghe mạng xã hội Buzzmetrics cũng chia sẻ, trong các chủ đề tết thì từ khóa "áo dài" đã trở thành biểu tượng thú vị của sự kết nối giữa thế hệ trẻ và di sản văn hóa dân tộc. Ngoài ra, vài năm trở lại đây, thời trang áo dài đã được quảng bá, tôn vinh qua nhiều hoạt động cổ vũ và lễ hội.
Cùng với mạng xã hội, những yếu tố văn hóa nói trên đã được lan truyền một cách tích cực, điều này đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm áo dài tăng trưởng mạnh mẽ hơn.