Vợ chồng ông Nguyễn Phúc Long phản ánh năm 2006, vợ chồng ông bảo lãnh cho Công ty Hy Chi vay tiền của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Chi nhánh Trần Hưng Đạo trong thời hạn một năm. Khi hết thời hạn hợp đồng, công ty và ngân hàng lại tự ý ký hai phụ kiện hợp đồng, giả chữ ký người bảo lãnh là vợ chồng ông để gia hạn thêm thời hạn một năm nữa.
Sau đó, phía ngân hàng kiện công ty yêu cầu thanh toán hai lần vay nêu trên, tổng cộng là hơn 10 tỉ đồng, nếu không có tiền trả thì phát mại nhà của vợ chồng ông Long (tài sản bảo lãnh). Vợ chồng ông không đồng ý vì đến thời điểm ký phụ kiện hợp đồng, công ty đã trả hết phần nợ 3,8 tỉ đồng do vợ chồng ông bảo lãnh ban đầu. Bằng chứng là các chứng từ, hóa đơn trong hợp đồng đều đóng dấu: “Tất toán”. Đồng thời, hai phụ kiện hợp đồng bị giả chữ ký nên ông bà không chịu trách nhiệm.
“Mặc dù vợ chồng tôi đã đưa ra các chứng cứ cụ thể như trên nhưng vừa qua TAND TP.HCM xử sơ thẩm vẫn cho rằng phía công ty chưa trả được nợ. Theo tòa, ngân hàng và công ty bắt tay nhau ký đóng dấu “Tất toán” là để nhằm mục đích hợp thức hóa việc đáo hạn. Do đó, tòa buộc công ty trả nợ cả gốc và lãi hơn 10 tỉ đồng (gồm hơn 4 tỉ đồng tiền đồng gốc và hơn 6 tỉ đồng tiền lãi, riêng phụ kiện bị giả chữ ký tòa tuyên vô hiệu). Nếu công ty không trả được thì phát mại nhà của tôi. Theo tôi, phán xét của tòa về phần tôi phải gánh chịu nghĩa vụ bảo lãnh như trên là vô lý bởi nợ thì đã trả hết. Nếu có việc bắt tay nhau thì ngân hàng và công ty phải chịu trách nhiệm. Chưa kể tòa chưa làm rõ nguồn gốc các khoản nợ phát sinh từ đâu (vay tối đa 3,8 tỉ đồng nhưng nợ gốc lại hơn 4 tỉ đồng) và thời điểm nào (nợ cũ hay nợ mới)...” - ông Long cho hay.
“Để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp tòa sai như vậy, liệu tôi có thể yêu cầu tòa cấp phúc thẩm làm rõ những chuyện đó không?” - ông Long thắc mắc.
Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Việc vợ chồng ông Long có thể mất nhà xuất phát từ chuyện tại thời điểm ký hai phụ kiện hợp đồng, phía công ty đã trả hết số nợ 3,8 tỉ đồng cho ngân hàng chưa. Nếu ông Long đã kháng cáo thì cấp phúc thẩm cần kiểm tra kỹ, thận trọng đánh giá chi tiết này. Nếu đã trả xong thì vợ chồng ông Long hết nghĩa vụ bảo lãnh cho khoản vay đó. Nếu chưa trả được nợ gốc mà hai bên bắt tay nhau ký giả hồ sơ tất toán để gia hạn cho vay chưa được sự đồng ý của bên bảo lãnh là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần phải làm rõ. Cụ thể trường hợp cán bộ ngân hàng là người làm giả thì có dấu hiệu của tội cố ý làm trái, còn phía công ty làm giả thì có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc ngân hàng cho vay vượt quá hạn mức được bảo lãnh cũng phải được cấp phúc thẩm làm rõ”.
THANH TÙNG