Sáng 28-10, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn năm 2015-2023.
Giá nhà ở tăng cao vô lý, bất thường
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu rõ thời gian qua giá nhà ở tăng quá cao, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
“Giá nhà đất ở một số khu vực đang tăng phi thực tế, lãnh đạo Bộ Xây dựng trong cuộc họp báo mới đây cũng nhận định đây là sự vô lý và bất thường” – bà Thuỷ nói và chia sẻ giá nhà ở tăng đột biến, nhất là giá chung cư tăng gấp đôi, gấp ba lần khiến dự định mua nhà ở của người dân phải gác lại sau một thời gian dài vất vả tìm mua chỗ ở.
Giá đất tại ngoại thành Hà Nội cũng bị đẩy lên cao, thông qua các phiên đấu giá đất xuyên đêm, với hàng nghìn người “ăn chực, nằm chờ” tham gia đấu giá.
“Giá đất ở huyện ven đô nhưng lên đến hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Giá đất tại một số địa phương liên tục thiết lập các mặt bằng mới, giá đất này đang vượt xa so với thu nhập của người dân” – bà Thủy nói.
Bà Thủy nhận định trong khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án đang ách tắc, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mà giá nhà ở tăng đột biến, nhất là ở khu vực không có dự án mới là điều bất bình thường.
Nữ ĐB cũng dẫn chứng nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng là “tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao như vừa qua”.
“Thực tế có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư đã thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người dân trục lợi. Thủ đoạn họ sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó tới thời gian nộp tiền thì bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực mà họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận” – bà Thủy nhấn mạnh.
Trong khi đó thị trường bất động sản tồn tại sự mất cân đối khi thiếu căn hộ bình dân, trung cấp, thừa căn hộ cao cấp. Những điều này khiến người dân có nhu cầu thực không mua được nhà ở, trong khi không ít người có tiền đang găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận.
Theo đó, ĐB Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động; tháo gỡ ngay các vướng mắc dự án nhà ở hiện nay. Đồng thời nghiên cứu, có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất như trong thời gian vừa qua.
Chứng minh tài sản đảm bảo để ngăn chặn bỏ cọc
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá thì không thể tăng tiền đặt cọc, bởi nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Do vậy, ông đề nghị phải đưa ra quy định: "Người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý".
Theo ông, nếu có quy định như thế này thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại, hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.
Một kiến nghị khác, ĐB đoàn Hà Nội nói Chính phủ phải đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.
“Có kê khai và kiểm tra giá như thế, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu” - ông Cường cho hay.
ĐB Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cũng nhìn nhận giá nhà ở Hà Nội, TP.HCM và các TP lớn đang tăng rất cao, vượt xa tầm tay và nhu cầu ở thực của người dân.
"Tình trạng này có phần do chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là các giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật" - ông An nói và cho rằng để giải quyết có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội.
Ông cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản đối với bất động sản thứ 2 trở lên cùng các giải pháp nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.