TP.HCM và Hà Nội không còn căn hộ chung cư giá bình dân

(PLO)- Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2022-2023, giá bất động sản tăng vọt; tại Hà Nội và TP.HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-10, theo nghị trình, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Từ 2021, TP.HCM không còn căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2

Đoàn giám sát của Quốc hội cho hay giai đoạn 2015-2021, thị trường bất động sản phát triển sôi động, mạnh mẽ với nhiều loại hình bất động sản, nhiều nguồn cung, hình thành nhiều đô thị mới, có nhiều loại hình bất động sản mới, như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel)...

Số lượng condotel, resort villa, officetel là rất lớn với gần 100.000 condotel, officetel do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và hàng chục nghìn condotel, officetel tại các dự án do các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thẩm định thiết kế cơ sở theo thẩm quyền.

Liên quan bất động sản, 23 bị cáo đã bị tuyên tù chung thân và tử hình
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đến năm 2021, ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4,5 triệu tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn này đạt khoảng gần 18 tỉ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Đoàn giám sát đánh giá cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung- cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp, mục tiêu đầu tư tài chính, ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân.

Giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn do những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước được bộc lộ dưới áp lực của dịch COVID-19.

“Nguồn cung bất động sản hạn chế hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Giá bất động sản tăng vọt. Tại Hà Nội và TP.HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân”- theo Đoàn giám sát của Quốc hội.

Đoàn giám sát dẫn báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy phân khúc căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp chiếm đa số. Trong năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao, lượng giao dịch thấp, chỉ chiếm khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Giá nhà ở riêng lẻ vẫn duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch.

Còn theo báo cáo của UBND TP.HCM, lượng giao dịch bất động sản giảm sút mạnh, giá bất động sản tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị.

Qua quá trình làm việc với Đoàn giám sát, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cung cấp số liệu thống kê cho thấy từ năm 2021, trên địa bàn TP không còn phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Theo đoàn giám sát, giai đoạn này, số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn. Điều này gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn và làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm.

Bất động sản du lịch, lưu trú (condotel, officetel) gần như “đóng băng” và vẫn tiếp tục gặp vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Các báo cáo cũng cho thấy Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc, đã xử lý 158 dự án. Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này.

Tại TP. HCM, có 220 dự án vướng mắc, có 30 dự án ngưng thi công, 56 dự án chưa thi công đều có thời gian dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2020…

Xử lý 51 cá nhân, 2 kênh mạng xã hội đưa tin gây tác động tiêu cực

Báo cáo của Đoàn giám sát thông tin giai đoạn 2015-2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 14 cuộc kiểm toán, một chuyên đề kiểm toán tại 26 địa phương.

Kết quả kiểm toán cho thấy các tồn tại, hạn chế, vi phạm chính trong quản lý thị trường bất động sản chủ yếu liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; thủ tục đầu tư xây dựng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính về đất gần 5.400 tỉ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Trong gần 400 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, 187 kiến nghị đã thực hiện, 82 kiến nghị đang thực hiện và 129 kiến nghị chưa thực hiện.

Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc đã triển khai 325 đoàn thanh tra, kiểm tra, phát hiện một số vi phạm, thiếu sót và kiến nghị xử lý một số vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Bộ Tài chính cũng đã có 13 kết luận thanh tra tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng số tiền được kiến nghị xử lý qua thanh tra gần 1.200 tỉ đồng…

Đặc biệt, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản của 51 cá nhân và hai kênh truyền thông mạng xã hội.

Lực lượng Công an cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ TT&TT, nhà cung cấp dịch vụ mạng rà soát, gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 1.600 tin, bài có nội dung phức tạp, sai sự thật trên mạng xã hội.

Cũng trong giai đoạn 2015-2023, cơ quan điều tra đã khởi tố 376 vụ án với 510 bị can có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó chủ yếu là các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TAND các cấp đã thụ lý 231 vụ với 840 bị cáo về các tội phạm vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trong số 218 vụ với 804 bị cáo đã xét xử, ngành tòa án đã xử phạt 23 bị cáo tù chung thân và tử hình, 87 bị cáo tù trên 15 năm đến 20 năm, 169 bị cáo tù trên bảy năm đến 15 năm…

Tổng số vụ việc phải thi hành án liên quan đến các dự án bất động sản và nhà ở xã hội là 841 vụ việc, tương ứng số tiền phải thi hành hơn 1.400 tỉ đồng. Trong đó, 840 vụ việc liên quan đến thi hành dự án bất động sản và một vụ việc liên quan đến nhà ở xã hội, tập trung tại tỉnh Long An (649 vụ việc, tương ứng hơn 195 tỉ đồng) và TP.HCM 159 vụ việc, tương ứng hơn 800 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm