Sáng 17-11, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3-2024 của Bộ Xây dựng, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về nguyên nhân, giải pháp ổn định trước tình trạng giá nhà ở tăng phi mã, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội trong thời gian qua.
Trả lời nội dung này, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thông tin thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 82 về việc chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo. Trong đó có phân tích về cơ cấu, biến động, đánh giá về giá nhà, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường bất động sản.
Ông Dũng cho hay việc giá nhà tăng mạnh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là phụ thuộc vào chi phí đầu vào của bất động sản như nhân công, vật liệu và một số chi phí khác. Các chi phí này tăng khiến giá nhà tăng.
Theo ông Dũng, thời gian qua với việc các Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-8-2024 thì các khó khăn về thị trường đã được tháo gỡ, nguồn cung được cải thiện một phần.
“Tuy nhiên, khi nguồn cung hạn chế thì giới đầu cơ có các tác động có thể làm kích giá, thổi giá, thậm chí gây nhiễu loạn thông tin thị trường làm cho giá nhà biến động mạnh” – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, một nguyên nhân nữa là do các lĩnh vực đầu tư khác kém hấp dẫn, hoặc rủi ro, khiến các nhà đầu tư lựa chọn bất động sản để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, cộng thêm một số nguyên nhân khác nữa khiến cho giá nhà ở thời gian qua biến động mạnh.
Về giải pháp, ông Dũng cho hay đầu tiên cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường bất động sản trong thời gian qua. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tiếp nữa là tổ chức triển khai có hiệu quả các Luật đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn để các quy định pháp luật đã sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị thị trường bất động sản sớm đi vào cuộc sống.
"Cùng với đó là cần rà soát, hướng dẫn cụ thể đến công tác đấu giá đất, điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của pháp luật tránh tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, người dân" - ông Dũng nói.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản cũng cho hay cần có giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản… hướng tới giao dịch bất động sản phải tiến hành qua sàn có sự quản lý của nhà nước nhằm công khai, minh bạch các giao dịch bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất một giải pháp cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung về chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn, hoặc lướt sóng bất động sản…
“Giải pháp này cũng đã được Bộ Tài chính cũng như các bộ ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên đây là một chính sách mới, có tác động lớn cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, đánh giá tác động kỹ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng như người dân, doanh nghiệp. Tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, các hoạt động giao dịch, cũng như các đối tượng chịu tác động” – ông Dũng nói.
Tham gia trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh việc bình ổn thị trường bất động sản, để thị trường phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân với mức giá phù hợp với thu nhập luôn là mong muốn, mục tiêu của Chính phủ, Bộ Xây dựng và cũng là mục tiêu của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ của doanh nghiệp và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh và bổ sung thêm một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tăng phi mã trong thời gian qua ở Hà Nội là do đầu cơ và tâm lý thị trường.
“Tình trạng đầu cơ có thể làm cho giá nhà tăng đến mức phi thực tế, đặc biệt khi nó kết hợp với tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. Tôi cho rằng nguyên nhân này chiếm yếu tố quan trọng trong sự biến động về giá nhà thời gian qua ở Hà Nội” - ông Nguyễn Việt Hùng nói và cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để ổn định tâm lý cho người mua nhà.