Giá phân bón cao nhất 50 năm, nông dân điêu đứng

(PLO)- Giá phân bón tăng cao kỷ lục khiến nông dân gặp nhiều khó khăn và tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá phân bón đang tăng phi mã, lên mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Để hỗ trợ cho ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp.

Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng trục lợi từ phân bón. Trong ảnh: Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón tại Gia Lai. Ảnh: DMS

Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng trục lợi từ phân bón. Trong ảnh: Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón tại Gia Lai. Ảnh: DMS

Cao nhất 50 năm qua

Tại các tỉnh ĐBSCL, trong tháng qua, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000- 1.900 đồng/kg so với tháng trước. Hiện giá bán lẻ DAP nội địa dao động quanh mức 22.400 đồng/kg, kali 19.500 đồng/kg, urê 18.200 đồng/kg.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.

Đặc biệt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước này là những cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Riêng với Nga, từ ngày 10-3 vừa qua đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.

Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT cho biết hằng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali do nguồn cung phân bón thế giới khó tăng lên, cộng với nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Bùi Thế Chuyên khẳng định nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước vẫn đảm bảo. Bốn nhà máy sản xuất phân đạm urê với công suất 2,65 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu mỗi năm của Việt Nam dao động 1,8-2 triệu tấn nên hoàn toàn dư cung. Phân NPK cũng có mức dư cung rất lớn nên phải tìm đường xuất khẩu.

“Hiện trong nước không thiếu phân bón, kể cả thời gian tới cũng không thiếu” - ông Chuyên khẳng định.

Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt.

Tìm cách hạ nhiệt giá phân bón

Dù không thiếu phân bón nhưng rõ ràng giá phân bón tăng cao đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước. Bởi theo Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón chiếm tới 30%-50% giá thành sản xuất của ngành này.

Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, các bộ, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.

Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP. Trong đó có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng phân bón từ mức 0% lên 5%. Mục đích nhằm giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao. Mặt khác, thời gian qua nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn. TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính có ưu điểm là sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong xác định tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng biến động về nguồn cung, về giá phân bón ở tầm quy mô toàn cầu nên cần phải điều chỉnh linh hoạt, đúng thời điểm. Việc áp thuế xuất khẩu 5% chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, hay khi giá thế giới tăng quá cao.

Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu. “Nếu áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các nhà sản xuất mặt hàng này, do hiện nay trong nước đang dư thừa công suất sản xuất và sẽ làm giảm sức cạnh tranh do giá sẽ tăng 30-60 USD/tấn” - ông Phùng Hà lưu ý.•

Bốn tháng, xuất khẩu phân bón tăng 2,9 lần

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính chung bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu phân bón đạt khoảng 625,4 triệu USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ này cũng thông tin hiện tại các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Song sản xuất DAP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; kali và SA gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm