Giá phân bón khó lường, Bộ NN&PTNT đề nghị sửa luật

(PLO)- Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới, thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.

Mục đích nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm hiện nay.

Lực lượng quản lý thị trường lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm so với chỉ tiêu công bố trên bao bì sản phẩm. Ảnh: DMS

Lực lượng quản lý thị trường lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm so với chỉ tiêu công bố trên bao bì sản phẩm. Ảnh: DMS

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón Urê, DAP, MAP; có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân này để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao. Đặc biệt, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra càng làm suy giảm nguồn cung và tăng giá mạnh.

Trong khi đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn; nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.

Với tình hình như hiện nay, Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới, thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung.

Đặc biệt với phân Kali do Nga và Belarus cung cấp chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong khi đó, với loại phân bón này Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.

Được biết, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng phân bón.

Theo dự thảo, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm