Cập nhật vào đầu giờ sáng nay trên thị trường New York, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,63% lên 2.673,50USD/ounce. Giá vàng thế giới giao hợp đồng kỳ hạn trong khi đó tăng vượt mốc quan trọng 2.700USD/ounce.
Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.700USD/ounce
Theo phân tích của các chuyên gia trên thị trường vàng thế giới, việc giá vàng thế giới giao hợp đồng kỳ hạn tăng vượt ngưỡng 2.700USD/ounce có thể coi như một dấu mốc rất quan trọng trên thị trường vàng. Diễn biến mới nhất không chỉ có ý nghĩa với thị trường vàng mà còn với nhiều thị trường khác như bạc, bạch kim.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 13,80USD/ounce tương đương 0,51% lên 2.695,1USD/ounce. Trong ngày giao dịch đã có lúc giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tăng chạm mốc 2.708,7USD/ounce – ngưỡng cao chưa từng thấy.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 30%, cao hơn nhiều so với mức tăng 20% của chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500. Việc giá vàng thế giới tăng mạnh như vậy có nguyên nhân từ việc nhu cầu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ lên mạnh trong năm nay. Nhiều nước tăng tỷ trọng nắm giữ vàng và giảm tỷ trọng nắm giữ đồng USD.
Theo phân tích của một số nhà đầu tư trên thị trường vàng, việc giá vàng thế giới tăng mạnh cũng cho thấy tâm lý thị trường vẫn đang lo lắng về tình hình “sức khỏe” của kinh tế Mỹ dù rằng thị trường chứng khoán Mỹ không ngừng lập đỉnh trong những ngày gần đây.
Nhà đầu tư thường tìm đến vàng trong bối cảnh bất ổn dâng cao bởi kỳ vọng giá vàng sẽ vững vàng hơn so với nhiều loại tài sản khác ví như cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ trong trường hợp kinh tế đương đầu với tình trạng suy giảm.
Theo tuyên bố của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), việc Fed hạ lãi suất 0,5% là để ngăn ngừa sự suy giảm trên thị trường lao động. Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng ngay cả sau khi hạ lãi suất, cũng chưa thể rõ liệu như vậy đã đủ để giúp thị trường lao động Mỹ không giảm tốc mạnh hay không. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 8-2024 ở mức 4,2%, dù ở ngưỡng thấp so với trong lịch sử nhưng vẫn cao hơn so với mốc 3,8% cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước phản hồi việc người dân khó mua vàng
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 81,50 – 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng miếng SJC đã chính thức được điều chỉnh lên ngưỡng này từ ngày 24-9.
Ở mức đóng cửa của giá vàng thế giới phiên gần nhất, quy đổi ra giá vàng trong nước tương đương 80,75 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước 2,75 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng Kim Bảo PNJ 999.9 giao dịch ở mức 82,10 – 83,20 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng nhẫn ép vỉ vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức 82,23 – 83,33 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá đồng USD tại thị trường trong nước có dấu hiệu tăng trở lại. Cập nhật vào đầu giờ sáng nay, tỷ giá đồng USD ở mức 24.430 – 24.800 đồng/USD.
Dù giá vàng tăng như vậy nhưng theo phản ánh của nhiều người dân, vàng miếng rất khó mua. Trước tình trạng này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, từ 3/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân.
Sau một thời gian triển khai, để hạn chế tình trạng tụ tập đông người, ngăn chặn hiện tượng thuê người xếp hàng đầu cơ mua vàng tại các điểm bán vàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC thực hiện đăng ký bán vàng trực tuyến.
Ngoài ra, theo báo cáo, Công ty SJC vẫn thực hiện bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm thông báo. Do đó, khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua vàng theo hướng dẫn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như nêu trên.