1. Có người hỏi tôi từ lúc nào tình yêu bị tính toán, ngã giá, và người yêu trở thành một giá trị để người ta có thể sở hữu, gọi đấy là “của mình”? Tệ hơn, khi không thể sở hữu được nữa, họ vứt bỏ như một món đồ? Người ta đổ lỗi cho xã hội, nào là giá trị giáo dục, văn hóa, đạo đức bị xáo trộn, suy đồi. Cái gì cũng được mang ra để so sánh với… “hồi xưa”, nhất là chuyện tình cảm, theo cái nghĩa là ngày xưa thì tốt hơn.
Tôi chỉ cười, thế nào là như xưa?
Trước đây, ông bà ta xem con, cháu như một món đồ. Nhà giàu có thì con cái là món đồ quý. Con nhà nghèo thì như món nợ. Sinh con ra, nuôi dạy cho khôn lớn, gán cho con gái một cái giá tương đương với thóc lúa, trâu bò, vàng bạc, nữ trang, tiền bạc, lụa là... Khi gả con, hình thức không khác gì bán con qua tục thách cưới. Đương nhiên nhà trai cũng xem như đang đi mua một cô dâu - ngã giá xong thì hôn nhân tiến hành. Người con gái trả được “hiếu đạo” cho gia đình qua những của lễ nhà trai. Cô dâu từ nay thuộc sở hữu của nhà chồng. Cuộc đời còn lại, tình cảm, suy nghĩ, công sức lao động… đều phải theo, cống hiến cho nhà chồng.
Ảnh minh họa
Nếu cô dâu không được như mong đợi của nhà chồng, họ sẽ trả cô về cho cha mẹ ruột, như trả lại một món hàng hỏng. Có khi họ sẽ đòi lại một phần của cải đã trao trước đây, như đòi lại tiền đặt cọc. Bị trả về, cô gái xem như bỏ cả cuộc đời còn lại.
Thời nay, người ta nghĩ rằng mình đã thôi lạc hậu khi không cần mai mối, không thách cưới, không ngã giá... Họ gặp nhau, để ý, tìm hiểu, yêu và cưới. Nhưng hôn nhân kia nào chỉ thuần là tình nghĩa. Đàn ông sẽ xem đàn bà có xinh đẹp không, khỏe mạnh không, khả năng sinh con thế nào, có biết bếp núc nấu nướng, có công ăn việc làm không… Đàn bà sẽ tìm hiểu xem đàn ông có vững vàng về tài chính, khả năng tình dục ra sao, ngoại hình tướng tá đủ cao ráo sáng sủa để con cái sau này xinh đẹp không, gia đình đông con hay ít, con một hay con thứ… Họ đến với nhau qua sự đồng thuận sẽ đóng góp, chia sẻ dựa trên căn bản hai bên đều cân bằng về mọi mặt như nhau, để không ai phải “nuôi” ai.
Thật sự, mọi thứ vẫn như xưa, chỉ là họ tự ngã giá với nhau, không qua mai mối cũng chả qua gia đình.
Bạn tôi có một cuộc tình 5 năm. Anh người yêu mùa tết nào cũng đòi cưới, nhưng cô bạn tôi bảo, khi nào mua được căn hộ, mua được chiếc xe hơi, tiền trong tài khoản hòm hòm vài trăm triệu nhàn rỗi rồi hẵng cưới.
Một anh bạn khác, tiền tài danh vọng đủ cả, áp lực con trai một, nhà cần cháu đích tôn; anh bảo với cô người yêu rằng anh chỉ cưới sau khi cô có thai, mà phải là con trai. Sau vài tháng chuyện bầu bì không xảy ra. Anh đến với cô khác, với cùng yêu cầu: máy đẻ.
2. Với những tiền đề tình yêu có giá trị sở hữu và có hạn sử dụng như thế, khi mọi thứ không như ước ao, người ta chấp nhận rằng mình đã “chọn nhầm người”, và trả giá cho sự chọn lựa ấy; bởi không có gì đau khổ hơn là sở hữu một tài sản mình không ưa thích, giữ lại thì chật chội, cho đi thì không biết cách nào để vẹn toàn, để không bị mất mát quá nhiều.
Đa số đàn ông trả giá bằng… tiền - bằng tài sản bị xâu xé, chia chác - những thứ mà họ không còn đủ kiên nhẫn, sức khỏe để bắt đầu lại như xưa. Đàn bà trả giá bằng tuổi thanh xuân - thứ mà dù có đi mỹ viện nâng chỗ này, bóp chỗ kia, căng chỗ nọ cũng không thể quay về. Mắt đã bớt trong, điệu cười nhuốm mùi chua chát, sức lực cũng mỏi mòn sau bao nhiêu năm.
Người ta có bao giờ yêu nhau đâu. Người ta yêu những giá trị người kia mang lại cho mình, chia sẻ với mình khi đến với nhau. Như nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền bạc, và niềm vui. Khi không còn những thứ đấy nữa, người kia trở nên tầm thường, không còn chút giá trị.
Chỉ vì tình yêu có bao giờ vô giá đâu.
Theo Lê Phương Thảo (PNO)