1. Cô bạn gửi thư, một lá thư buồn bã đến nhức nhối. Cô ấy bảo “có những ngày buồn đứt ruột, một nỗi đau như có ai đâm vào tim mình. Vì sao lại có thể như thế hở chị? Làm sao để hết đau, làm sao để vượt qua đổ vỡ?”.
Muốn chạm vào bạn, muốn ôm siết, muốn vỗ về, muốn lau nước mắt, muốn nói với bạn rằng “rồi mọi thứ sẽ đi qua, những mảnh vỡ sẽ liền lạc lại, quả tim vẫn sẽ là một khối, sẹo dần dần mờ đi”. Nhưng tôi biết những lời nói không giúp được gì.
Tôi đã từng như thế, những tháng ngày chẳng còn gì quan trọng đối với mình. Mọi điều như cát, chảy hết qua kẽ tay. Những tuần lễ kéo dài ngày sang đêm rồi lại ngày. Tuyệt vọng với bản thân. Mất lòng tin vào những người chung quanh. Tâm hồn mong manh như lớp thủy tinh thật mỏng chỉ cần va chạm nhẹ đã nứt rạn.
Khi đã khóc gần như hết nước mắt, tới lui mòn cả con đường ký ức, hình dung nếu không có sự chia tay, đào bới tung tóe những lý do, những câu hỏi, những độc thoại kéo dài đầy điên rồ, tôi nhận ra rằng, không có điều gì “tự nhiên” xảy ra cả. Khi một mối quan hệ không tiếp tục được nữa, nên chủ động chấm dứt.
Ảnh minh họa
2. Có những người đàn bà tôi biết, họ bám chặt vào hai chữ “đôi lứa” như một danh xưng, một thương hiệu, một nền tảng cho họ. Mất người đàn ông, họ tưởng tượng rằng họ đã mất tất cả. Họ tìm đủ mọi cách để níu kéo, để tiếp tục cho người đàn ông thêm quyền hành, thêm sức mạnh định đoạt sự buồn vui sống còn của đời họ.
Và dĩ nhiên, tất cả quỹ thời gian của họ dồn hết vào sự níu kéo này, họ không có một sự chuẩn bị nào để đối diện với thực tế trước mắt là không còn có đôi nữa. Cho đến khi người đàn ông biến mất, họ như chiếc bong bóng xì hơi, tuyệt vọng.
Có những người đàn bà quyết định… trả thù sau đổ vỡ. Đau đớn của họ sẽ phải được cân bằng bởi sự đối phó vất vả của người đàn ông.
Một kiểu đàn bà khác nữa, họ đảm đang, chu toàn mọi thứ trong gia đình, lo liệu và kiểm soát, quản lý mối quan hệ một cách chặt chẽ, đâu vào đấy. Họ luôn nghĩ rằng người đàn ông không thể nào tiếp tục cuộc sống thường nhật nếu không có họ. Cú sốc khi chia tay có thể quật ngã và lấy đi toàn bộ sự tự tin của người đàn bà, khi họ nhận ra người đàn ông không những vẫn sống yên ổn thoải mái, mà lại còn hạnh phúc hơn sau khi chia tay.
3. Có người khuyên tôi, “để quên người cũ, phải cần một hay nhiều người mới”, như một hình thức thay thế, trám vào chỗ trống, dần dà sẽ thành quen thuộc, và trở nên cần thiết. Và người ta sẽ không còn thì giờ để suy nghĩ về những gì họ đã mất đi trong quá khứ.
Có thể điều đó đúng, nhưng rồi mọi thứ sẽ lặp lại khi một “công thức” được sử dụng quá nhiều lần. Người ta cứ lao đầu vào công việc tái tạo, thiết lập quan hệ tình cảm, muốn cho đi, đòi nhận lại liên tục chỉ để tránh né thực tế của sự đổ vỡ.
Để đi qua đổ vỡ, người ta đôi lúc cần đứng lại, nhận định phương hướng, dù có thể lạc lối trên cùng một con đường đôi ba lần, nhưng không thể ngu ngơ mãi. Khi người ta đứng yên quan sát, sẽ biết bóng đổ về đâu, biết ánh sáng ở nơi nào.
Đôi khi người ta cần ngồi xuống, nghỉ ngơi, cho phép họ chăm sóc chính mình, nghe ngóng những yêu cầu của bản thân. Khi người ta ngồi thảnh thơi, sự thư giãn sẽ chỉ cho họ thấy những nhức mỏi tồn tại ở đâu, họ cần phải vỗ về chỗ nào.
Cũng có lúc người ta cần nằm yên, để mọi thứ rơi về đúng vị trí, để tập thở nhịp nhàng. Và rồi khi họ cất bước trở lại, đi qua đổ vỡ, những mảnh vỡ sẽ thật sự bị bỏ lại phía sau. Biến mất. Họ không còn nhu cầu chữa lành vết thương. Người ta đi, không còn là sự nối bước, mà là một khám phá mới mẻ đầy sắc màu.
Theo Lê Phương Thảo (PNO)
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Quá khứ chỉ là bài học
Hãy khép lại quá khữ đau buồn, nhìn về hiện tại, tương lai và tin rằng bạn sẽ làm tốt hơn những gì đã làm...