Gần 30 năm trước, khi người dân ở ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khổ sở vì sự ô nhiễm, ngập lụt mà họ thường xuyên chịu đựng thì lãnh đạo TP.HCM lúc đó cũng bắt đầu hiện thực hóa ý định khai thông tuyến kênh đã bị tắc nghẽn, ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất (hình thành năm 1998, trên cơ sở sáp nhập Sở Địa chính và Sở Nhà đất), nguyên Phó Trưởng ban Thường trực điều hành “chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè” (đã nghỉ hưu), nhận xét đó là sự tâm huyết và đồng lòng của tập thể lãnh đạo TP nhiều nhiệm kỳ. Họ đã kiên trì đeo bám, thuyết phục được trên 10.000 người dân tự giác giao nhà cho Nhà nước cải tạo con kênh. “Sự đồng thuận của người dân là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chương trình” - ông Dũng đánh giá.
Quyết khai thông kênh từ những ngày đầu đổi mới
Từ năm 1985, TP.HCM đã nhận thấy tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng do nhà cửa lấn chiếm và lòng kênh đầy rác rưởi. Chủ tịch UBND TP lúc này là ông Phan Văn Khải (về sau làm thủ tướng và nay đã nghỉ hưu) yêu cầu ông Lê Thanh Hải (Mười Hải), Giám đốc Sở Nhà đất, lên chương trình khơi thông tuyến kênh. Đến năm 1988, Thành ủy ban hành nghị quyết về chương trình cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng do kinh phí có hạn nên chương trình thí điểm được một đoạn ngắn chừng 50 m rồi ngưng.
Đến nhiệm kỳ, ông Trương Tấn Sang là chủ tịch UBND TP (nay là Chủ tịch nước) tiếp tục bày tỏ quyết tâm phải thực hiện ngay chương trình khơi thông kênh, giải quyết ô nhiễm và cải thiện môi trường sống cho những người dân đang sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Một ban chỉ đạo thực hiện chương trình được thành lập do ông Trương Tấn Sang làm trưởng ban và ông Nguyễn Minh Dũng là phó trưởng ban thường trực điều hành chương trình.
Đề án cải tạo, chỉnh trang kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè đặt ra năm nhiệm vụ quan trọng. Đó là nạo vét, khơi thông, chống ngập cho lưu vực với trên một triệu người dân; chỉnh trang kênh và “giải phóng” dân nghèo, cải thiện đời sống; mở thông đường hai ven kênh, tạo trục giao thông thủy dưới kênh và tuyến tàu điện mặt đất dọc kênh…
“Trong những chuyến khảo sát thực địa, chúng tôi ghi nhận có những căn nhà chỉ vài mét vuông. Mọi sinh hoạt như ăn, ngủ và tiểu tiện đều tại chỗ. Dòng kênh bốc mùi hôi thối không chịu nổi, nhiều đoạn phân nổi lềnh bềnh, đen kín. Đại bộ phận họ là dân nghèo đã cùng đường, cô thế mới sống trong cảnh như vậy. Nhìn cảnh ngộ của người dân như vậy càng tăng thêm quyết tâm của lãnh đạo TP thực hiện chương trình, cải thiện đời sống người dân” - ông Dũng hồi tưởng.
1. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (người đầu tiên) kiểm tra công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào đầu năm 2009.
2. Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi được cải tạo.
3. Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bây giờ đã trở thành biểu tượng của TP.HCM trong việc cải tạo môi trường. Ảnh trong bài: MINH PHONG
Khó khăn chồng chất khó khăn
Vướng mắc đầu tiên vấp phải là TP không xoay ra được nguồn vốn thực hiện nên việc giải tỏa, tái định cư (TĐC) vẫn bế tắc và chương trình dường như đi vào ngõ cụt.
Lúc đó ông Mười Hải là Giám đốc Sở Nhà đất (đơn vị được giao trực tiếp thực hiện) rất tâm huyết nhưng lực bất tòng tâm. Nhân sự, ý chí có thể giải được nhưng vẫn tính không ra được nguồn tiền để tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu TĐC cho người dân.
Khó khăn chồng chất khó khăn và lối ra vẫn chưa được tìm thấy. Vậy là TP.HCM tìm hướng đột phá. Ông Dũng kể: Khi ấy TP.HCM chịu sức ép từ nhiều người đang thuê nhà, trong đó có nhiều người đã dành gần cuộc đời cho cuộc chiến giành độc lập. Vào những tuổi cuối đời, họ mong muốn có một nơi ở của mình đúng nghĩa. Thế là TP.HCM xin trung ương chủ trương hóa giá nhà của Nhà nước để vừa ổn định chỗ ở cho những người đang thuê nhà có công với đất nước, vừa lấy tiền đó xây nhà TĐC cho những người dân bị giải tỏa ở kênh.
Nhưng do thiếu chặt chẽ về thủ tục “xin phép trung ương” mà nhiều cán bộ lãnh đạo TP.HCM đã bị kỷ luật. Những người thực hiện chương trình mà trực tiếp là Ban Giám đốc Sở Nhà đất là ông Mười Hải cùng một dàn cán bộ chủ chốt của Sở Nhà đất và gần 50 người cũng bị thanh tra, điều tra và cho thôi việc. Nhiều lãnh đạo của TP.HCM bị kỷ luật, trong đó có chủ tịch UBND TP lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp cũng bị cho “về hưu non”.
Cú “chặn dòng” này đã làm nhiều cán bộ bị chùn tay và tiến độ thực hiện chương trình bị ách một thời gian. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm lãnh đạo TP.HCM từ bỏ quyết tâm chỉnh trang kênh, cải thiện đời sống người dân…
Bền bỉ và đồng lòng
Ông Nguyễn Minh Dũng nhớ lại để thực hiện các mục tiêu của chương trình, TP.HCM đã đặt ra hàng loạt giải pháp về hành chính, nhân sự. Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu vẫn chưa có lời giải.
Trong bối cảnh này, Nghị định 61 về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ra đời. TP.HCM như bắt được vàng vì nút thắt “đầu tiên” đã được tháo gỡ.
Thế là dựa trên những nguyên tắc cơ bản của nghị định, TP dò dẫm làm. Kế hoạch bán nhà được TP.HCM vạch ra, tính cụ thể sẽ có bao nhiêu căn nhà TĐC được xây từ số tiền thu từ việc bán nhà để người dân lựa chọn. “Nhiều khu TĐC đã được xây lên và người dân nhanh chóng đồng ý do ai muốn về khu TĐC nào cũng được. Cả sáu, bảy địa điểm như Bàu Cát (Tân Bình), khu ao rau muống (quận 3), Phú Nhuận hoặc Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức)… Được tùy nghi lựa chọn nên khi TP.HCM vận động là người ta ủng hộ cái rầm. Đó cũng chính là lý do khiến việc giải tỏa được thực hiện nhanh chóng” - ông Dũng chia sẻ.
Cái khó là lúc này không có công thức, nghị định hay nghị quyết về giá bồi thường nên đôi lúc các đề nghị của TP.HCM về việc thực hiện thí điểm bồi thường, giải tỏa ven và trên kênh gặp trắc trở.
“TP.HCM lần mò tính toán, nhà tôn khác nhà cây sao, từng nhà được bồi thường mức nào; nhà có sổ khác gì với nhà chưa có; người mới ở và người chưa ở lâu, nhà thuê của Nhà nước bồi thường ra sao… được chiết tính cụ thể, đầy đủ nên đưa ra là người dân đồng ý ngay. Điều quan trọng là khi tính toán, chúng tôi phải lấy ý kiến của người dân, đồng thời công việc trôi chảy còn có sự hưởng ứng nhiệt liệt của các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận… Những cuộc họp dài căng thẳng bất kể ngày đêm, vướng đến đâu gỡ đến đó và trong vòng vài năm đã xong việc giải tỏa. Đây là tiền đề quan trọng, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ như hôm nay” - ông Dũng kể lại và đúc kết - “Chính sự dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo TP, sự đồng lòng, quyết tâm của Thường vụ Thành ủy và sự tin tưởng của người dân đã giúp đẩy lùi các khó khăn, thúc dự án chạy trôi chảy”.
“Xử đẹp” nhà thầu chậm tiến độ Nhiêu Lộc - Thị Nghè là dòng kênh quan trọng của TP.HCM, chạy qua bảy quận với lưu vực rộng 3.320 ha, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1,5 triệu người. Những thay đổi đáng kinh ngạc từ việc giải quyết triệt để nhà lấn chiếm rồi người dân được bố trí TĐC với môi trường sống cải thiện đã thuyết phục Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn tiếp làm trong xanh tuyến kênh. Ông Phan Châu Thuận, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết sự thành công của TP trong việc giải tỏa, di dời một lượng lớn người dân sống trên và ven kênh là yếu tố quan trọng dẫn đến việc WB quyết định tài trợ vốn cho TP.HCM cải tạo, chỉnh trang kênh. Theo hiệp định tài trợ vốn ban đầu, WB cho vay khoảng 127 triệu SDR (Special Drawing Right - là đơn vị tiền tệ của một số tổ chức quốc tế) và được quy đổi thành 166,34 triệu USD. Do dự án thực hiện kéo dài, tỉ giá biến động và WB đã xem xét, điều chỉnh tăng tổng mức cho vay thành 294 triệu USD. Ngoài ra, các chuyên gia của WB cũng tính toán về yếu tố trượt giá nên họ đồng ý bổ sung một hiệp định khác với tổng mức cho vay khoảng 315 triệu USD để hoàn thành toàn bộ dự án. Quá trình thực hiện dự án, WB nhiều lần cảnh báo sẽ cắt tài trợ do dự án chậm trễ. Sự chậm trễ đến từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan lẫn khách quan nhưng các khuyến cáo trên là áp lực lớn. Bởi tiến độ dự án là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt được họ đưa ra. Lãnh đạo TP.HCM đã hết sức quyết liệt xử lý những tồn tại. Cùng với việc thuyết phục WB, lãnh đạo TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thậm chí chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm trễ tiến độ. Tóm tắt dự án làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Dự án được khởi động từ năm 2002, đến tháng 8-2012 thì khánh thành. Dự án có các hạng mục thoát nước thải với tuyến cống bao dài khoảng 8,4 km chạy từ khách sạn Đệ Nhất (quận Tân Bình) đi dích dắc qua hai bờ kênh và kết thúc ở gần cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Dự án còn cải tạo, nâng cấp và thay thế 52 km cống thoát nước ở các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp, đồng thời lắp đặt 26 van chống ngập do triều. Tổng vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh lên gần 317 triệu USD, trong đó WB cho vay gần 294 triệu USD. Tuyến cống bao nêu trên rộng 3 m được coi là xương sống của công trình. Càng về hạ lưu càng nằm sâu hơn dưới lòng đất với độ sâu trung bình 7-20 m (riêng đoạn băng qua sông Sài Gòn sâu 40 m) để dẫn toàn bộ nước thải và một phần nước mưa về trạm bơm đẩy qua nhà máy xử lý phía quận 2 đang được xúc tiến xây dựng. Đến nay toàn bộ nước thải và một phần nước mưa trong lưu vực được dẫn vào tuyến cống bao chảy về trạm bơm. Hiện TP.HCM tiếp tục đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng (trong đó WB cho vay tiếp 450 triệu USD) để xử lý nguồn nước thải này (và của quận 2) nhằm xanh hóa triệt để tuyến kênh. |