Giải đáp thắc mắc khi làm thủ tục định danh mức 2

(PLO)- Khi làm thủ tục định danh mức 2, người dân gặp một số khó khăn như không sử dụng điện thoại thông minh, không thể tích hợp giấy phép lái xe...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong giai đoạn 2023-2025, cả nước phấn đấu đạt mục tiêu có trên 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, hiện công an cả nước đang tích cực khuyến khích người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) mức 2.

Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục ĐDĐT, không ít người dân gặp phải một số khó khăn.

Tại sao phải lấy dấu vân tay, chụp ảnh nữa?

Ông NVH (quận 3, TP.HCM)cho biết do lớn tuổi và không biết gì về công nghệ nên từ trước đến giờ ông không dùng điện thoại thông minh. Việc đăng ký ĐDĐT thì yêu cầu phải có điện thoại thông minh nên ông lo lắng việc bản thân không có điện thoại thông minh thì làm sao đăng ký được ĐDĐT mức 2.

Do lớn tuổi, không có điện thoại thông minh nên ông NVH (giữa) gặp khó khăn khi làm tài khoản định danh điện tử. Ảnh: HUỲNH THƠ

Do lớn tuổi, không có điện thoại thông minh nên ông NVH (giữa) gặp khó khăn khi làm tài khoản định danh điện tử. Ảnh: HUỲNH THƠ

Anh Phúc Thịnh (quận Tân Bình) thắc mắc: “Trong quá trình làm CCCD gắn chip, cơ quan công an đã lấy dấu vân tay và chụp ảnh nhận dạng rồi. Tại sao bây giờ người dân làm thủ tục tài khoản ĐDĐT mức 2 lại phải đến cơ quan công an lăn tay, chụp ảnh một lần nữa. Tôi nghĩ hình ảnh và vân tay của người dân đã có trong cơ sở dữ liệu của ngành thì tại sao không dùng lại cho tiện?”.

Chị Phan Lưu Bảo Trân (quận Tân Phú) cũng cho biết hơn một tháng trước, chị đã kích hoạt ĐDĐT mức 2 ở công an phường. Sau đó chị về nhà tự tích hợp các giấy tờ vào ví điện tử theo hướng dẫn. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị kiểm tra thì các loại giấy tờ như CCCD, thẻ BHYT đều được tích hợp nhưng riêng giấy phép lái xe (GPLX) thì không thấy.

“Tôi đến công an phường hỏi thì được hướng dẫn đổi GPLX mới (thẻ PET) để cập nhật thêm CCCD mới tích hợp được. Theo tôi, làm như vậy vừa phức tạp vừa tốn kém, lại mất thời gian. Vì nếu đổi sang GPLX thẻ PET thì thông tin trên GPLX cũng như vậy thôi” - chị Trân nói.

Anh TL (chung cư Bàu Cát 2, quận Tân Bình) cũng chia sẻ: “Hiện nay, công an phường đã đến tận chung cư để hỗ trợ cư dân làm tài khoản ĐDĐT mức 2. Cũng có một số ít người không sử dụng điện thoại thông minh, không rành công nghệ, khi làm thủ tục sẽ được các anh công an hỗ trợ, hướng dẫn rất nhiệt tình”.

Lấy dấu vân tay, chụp ảnh để xác minh danh tính

Một công an quận tại TP.HCM cho biết hiện nay ứng dụng VNeID phải được sử dụng trên điện thoại thông minh và phải đăng ký bởi số điện thoại chính chủ. Khi người dân không có điện thoại thông minh, trước mắt cơ quan công an các địa phương sẽ thu nhận những trường hợp đó. Đến khi họ có điều kiện kích hoạt tài khoản, cán bộ công an sẽ hướng dẫn sau.

Về việc chụp ảnh và lấy dấu vân tay lần nữa khi làm thủ tục định danh mức 2, vị này cho biết việc này sẽ giúp cơ quan công an xác nhận danh tính của người dân.

Nghĩa là trước đây khi làm CCCD, người dân đã được lấy vân tay và nhận diện khuôn mặt, những thông tin đó đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, khi đến làm tài khoản định danh mức 2, công dân phải xác nhận những đặc điểm đó để trùng khớp với thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm mục đích chứng minh danh tính của mình.

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cũng thông tin về việc người dùng không thể tích hợp GPLX khi thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản ĐDĐT mức 2. Theo đó, nguyên nhân là do thông tin trên GPLX giấy chỉ có họ tên và năm sinh, không có đủ ngày tháng và không có thông tin về số CCCD nên chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hoặc một số GPLX hiện tại đang gắn với số CMND 9 số, chưa được đổi thông tin sang CCCD 12 số nên không thể xác thực. Cũng có thể do GPLX còn bằng bìa giấy, GPLX có thay đổi thông tin…

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam khuyến nghị người dân nên đổi GPLX cũ bằng bìa giấy sang GPLX mới bằng thẻ PET để cập nhật thông tin CCCD 12 số, trùng khớp với dữ liệu dân cư.

Hơn nữa, trong thời gian tới, cục sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoàn thiện phần mềm, cung cấp các công cụ cho phép người dân tự đối soát, đồng bộ dữ liệu về CMND và CCCD để hiển thị được thông tin GPLX trên ứng dụng VNeID.

Cách khắc phục lỗi không thể tích hợp giấy phép lái xe
trên VNeID

Khi làm thủ tục ĐDĐT mức 2, nếu GPLX chưa được tích hợp thì bạn đọc có thể thực hiện theo hướng dẫn sau.

Bước 1: Mở trình duyệt truy cập vào cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam, chọn thủ tục hành chính tương ứng và nhấn Đăng ký trực tuyến vào các dịch vụ.

Cụ thể như “Dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX”: Áp dụng đối với người có GPLX do ngành GTVT quản lý (còn thời hạn hoặc quá hạn dưới ba tháng).

“Dịch vụ công cấp độ 4 cấp GPLX quốc tế”: Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng.

Lưu ý, nếu chọn dịch vụ công cấp độ 3, phải đến cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục sau khi đã nộp hồ sơ. Ngược lại, dịch vụ công cấp độ 4 thực hiện tất cả thủ tục online và nhận GPLX mới tại nhà.

Bước 2: Khi trang dịch vụ cần làm hiện ra, nhập số GPLX vào khung trống, chọn nơi cấp và đánh dấu vào ô “Tôi không phải là người máy” rồi nhấn “Tìm kiếm”. Khi hoàn tất, mọi thông tin cá nhân sẽ hiển thị bên dưới. Nếu không tìm ra thông tin nghĩa là không thể đăng ký đổi GPLX qua mạng.

Bước 3: Bổ sung các giấy tờ cần thiết, bao gồm ảnh chân dung, chữ ký, số hộ chiếu, địa chỉ email, ngày cấp, điện thoại, ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh)...

Lưu ý, các mục có dấu * không được bỏ trống.

Bước 4: Kiểm tra kỹ toàn bộ thông tin rồi nhấn “Tiếp tục” để gửi hồ sơ.

Bước 5: Thanh toán lệ phí trực tuyến khi được yêu cầu. Lúc này sẽ nhận được thông báo xác nhận và mã hồ sơ.

Để tra cứu tiến độ hồ sơ, quay ngược lại trang chủ, bấm vào tùy chọn “Tra cứu tiến độ hồ sơ”. Nhập vào mã hồ sơ và số điện thoại cá nhân rồi nhấn “Tìm kiếm”. Nếu mục tình trạng hiển thị đã xác nhận nghĩa là thành công, ngược lại cần chỉnh sửa thông tin và gửi lại. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm