Theo đài CNN, giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Nga đã bắt đầu với việc Nga dồn hoả lực vào tấn công vùng Donbass ở phía đông Ukraine. Các câu hỏi đặt ra là liệu giai đoạn hai của chiến dịch sẽ thế nào, Ukraine sẽ sử dụng chiến thuật gì tiếp theo để chống Nga và nếu cuộc chiến còn kéo dài thì các bên sẽ phải có sự chuẩn bị như thế nào.
Nga dồn hoả lực ở đông Ukraine
Hôm 19-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hoạt động ở Donbass là "thời điểm rất quan trọng của toàn bộ hoạt động quân sự đặc biệt này". Theo đó, hai mục tiêu công khai của Nga là đảm bảo an toàn cho tất cả các khu vực phía đông của Ukraine như Donetsk và Luhansk và đánh bại các lực lượng Ukraine đang kháng cự ở thành phố cảng Mariupol để củng cố hành lang trên bộ nối khu vực Rostov của Nga với bán đảo Crimea.
Để đạt được mục tiêu đó, lực lượng Nga ở phía bắc và phía đông của Kiev đã được tái triển khai và một số được tái trang bị lại sau khi chịu tổn thất nặng nề. Các quan chức Mỹ ước tính rằng Nga đã huy động khoảng 78 tiểu đoàn tác chiến ở miền đông Ukraine với khoảng 75.000 quân và vẫn còn nhiều quân hơn đang được bố trí ở các vùng biên giới của Nga.
Cho đến nay, chiến thuật của Nga ở miền đông Ukraine dường như là sử dụng ồ ạt lực lượng pháo binh, hệ thống rocket, tên lửa và theo sau là tiến công bằng thiết giáp. Các thành phố ở Luhansk như Severodonetsk, Popasna và Rubizhne đã trở thành những đống đổ nát với các hệ thống cung cấp điện, khí đốt và nước bị phá hủy.
Lực lượng thân Nga ở vùng Donetsk đi qua một khu vực chiến trận. Ảnh: CNN |
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng Nga đã không tạm dừng hoạt động để có có thời gian cần thiết nhằm tái thiết và tái triển khai lại lực lượng. Các quan chức Mỹ đánh giá Nga đã mất tới 25% hoả lực chiến đấu từ khi bắt đầu chiến dịch.
Phân tích hình ảnh vệ tinh, hàng chục video trên mạng xã hội và tuyên bố của cả hai bên, CNN nhận thấy Nga hiện đang cố gắng tiến theo ba hướng. Cụ thể, hãy tưởng tượng vùng Donbass như một hình vuông mà trong đó, lực lượng Nga đã án ngữ ở ba phía và chỉ còn ngõ phía tây cho quân Ukraine tiếp viện và nếu cần thì rút lui.
Mặc dù giữ thế áp đảo nhưng ISW đánh giá rằng quân đội Nga khó có thể giải quyết được các nguyên nhân căn cốt nhất là phối hợp kém, không có khả năng tiến hành các hoạt động xuyên quốc gia và tinh thần chiến đấu không cao.
Chiến thuật của Ukraine
Theo CNN, Ukraine tỏ ra là bên có chiến thuật khôn ngoan khi nhường lãnh thổ để bảo toàn lực lượng nhưng sử dụng kiến thức về sự thông thuộc địa hình của mình và khả năng cơ động để gây tổn thất cho phía Nga. Đơn cử như trong tuần này, các đơn vị Ukraine đã rút khỏi thị trấn Kreminna ở vùng Luhansk khi phải đối đầu với hỏa lực áp đảo từ Nga.
Vấn đề hiện tại là quân Ukraine phải quyết định xem có bố trí hệ thống phòng thủ cố định hay không bởi điều này có thể dẫn đến việc các đơn vị bị tiêu diệt hoặc bị bao vây khi đối mặt với sự tấn công của pháo binh, rocket và thiết giáp của Nga. Còn phương án thay thế là phòng thủ cơ động, tức là chiến đấu và rút lui khỏi địa hình ít quan trọng hơn, đánh quân Nga khi Nga lùi lại và sau đó giữ phòng tuyến của mình ở địa hình đã lựa chọn. Đồng thời, Ukraine sẽ phải tìm cách phá vỡ các đường tiếp tế của Nga nhằm thách thức khâu hậu cần và làm lung lay tinh thần của quân Nga.
Lực lượng Ukraine ở ngoại ô thủ đô Kiev hôm 2-4. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, phía Ukraine cũng không chỉ giữ thế phòng ngự. Trong những ngày gần đây, các đơn vị nhỏ của Ukraine đã đánh chiếm được một vài căn cứ ở phía đông và phía nam Kharkiv, có khả năng đe dọa các tuyến tiếp tế của Nga, ví dụ như việc phá các cây cầu để chặn đường tiếp tế. Nếu Ukraine có thể duy trì được điều này thì quân Nga buộc phải điều lực lượng để bảo vệ những phòng tuyến này.
Mặc dù vậy, Ukraine cũng phải đối mặt với những rủi ro đáng kể bởi thế trận hiện đang do quân Nga áp đảo. Ukraine cần phải điều động quân sĩ khôn ngoan như đã từng làm ở Kiev và liên tục cảnh giác trước nguy cơ bị bao vây, đánh úp.
Trên hết, Ukraine cần một nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược nhiều và liên tục, ví dụ như nguồn cung vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không di động. Phần lớn trong số đó hiện tại đến từ nước ngoài thông qua một đường cung cấp dài và cũng gặp nhiều khó khăn.
Viễn cảnh nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài
Có những thông tin cho rằng Điện Kremlin muốn chiến dịch Ukraine có tiến bộ rõ rệt vào ngày 9-5, khi Nga kỷ niệm ngày đánh bại Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, với tiến độ chiến dịch như hiện tại thì điều này dường như khó có thể xảy ra. Một câu hỏi lớn hơn là liệu chiến dịch này có kéo dài hơn nữa hay không.
Nếu muốn kéo dài chiến sự, quân đội Nga sẽ phải luân chuyển các đơn vị, dựa trên tính toán nguồn hậu cần dự trữ. Lúc này, tính toán và chiến lược chính trị của Nga sẽ bị ảnh hưởng do sức kháng cự của Ukraine và khả năng các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị hơn và tốt hơn.
Lính Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh: AP |
Viết trên tạp chí War on the Rocks, chuyên gia Jack Watling thuộc cơ quan tư vấn an ninh và quốc phòng của Anh RUSI cho rằng việc kháng cự của Ukraine đã mang lại thời gian và cơ hội trong việc không chỉ ngăn chặn hành động của Nga ở vùng Donbass mà còn định hình toàn cục cuộc chiến sau này. Ông khẳng định rằng nếu các đồng minh của Ukraine hành động ngay từ bây giờ thì họ có thể răn đe hoặc ít nhất là chuẩn bị cho một cuộc chiến tới mùa hè năm nay.
Ông Watling viết: "Cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không di động chiến thuật như hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS sẽ cho phép Ukraine cơ động đến gần biên giới Nga và chiếm lại các thị trấn trong khi tấn công các đường tiếp tế của Nga”.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủy quyền chi một gói an ninh trị giá 800 triệu USD, bao gồm pháo và radar chống pháo cho Ukraine. Ukraine đang kêu gọi cung cấp nhiều vũ khí hơn và chất lượng tốt hơn nữa, đặc biệt là khi đang cố gắng duy trì hoạt động của lực lượng không quân của mình.