Giải pháp cho việc trẻ bị tấn công trên mạng xã hội

(PLO)- Giải pháp quan trọng nhất là dạy cho trẻ cách nhận diện nguy cơ có thể bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, giúp trẻ nâng cao năng lực xã hội.

Thời gian gần đây, nhiều trẻ em (thường là học sinh (HS) THCS, THPT) khi tham gia các hội nhóm, trao đổi kiến thức trên mạng xã hội (MXH) đã bị các đối tượng biến thái tấn công bằng những hình ảnh khiêu dâm, phản cảm. Thực trạng này đã một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi cả phụ huynh, nhà trường và xã hội cùng chung tay vào cuộc để dẹp bỏ vấn nạn này.

Phụ huynh đóng vai trò giám sát đặc biệt

Chị NTM (quận 6, TP.HCM) có con đang học tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 cho biết: trong thời gian các trường tại TP.HCM dạy học bằng phương thức trực tuyến, tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông có một tiết học giảng dạy cho HS với nội dung về môi trường mạng, sử dụng MXH và cách phòng tránh đối với những thông tin độc hại trên môi trường mạng.

“Là phụ huynh, tôi cảm thấy việc nhà trường lồng ghép những tiết học như vậy vào chương trình giảng dạy cho HS là rất cần thiết. Khi mà tần suất tiếp xúc với mạng máy tính của HS thời nay là thường xuyên, thì vấn đề dạy cho trẻ cách phòng tránh nội dung độc hại trên MXH là vô cùng cấp thiết.

Tôi nghĩ các trường cũng nên có kế hoạch, chương trình giảng dạy về môi trường mạng để khéo léo lồng ghép, truyền tải những nội dung này cho HS của mình, thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khóa, những tiết học có nội dung liên quan” - chị M chia sẻ.

Chị NTH (quận 7, TP.HCM) có con đang học tại một trường THPT ở quận 7 cho biết đối với vấn đề dạy cho trẻ cách sử dụng mạng an toàn thì ngoài nhà trường, vai trò của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng. Nếu như ở trường trẻ không được sử dụng điện thoại hoặc sử dụng máy tính có kiểm soát, khi về nhà trẻ có thể sử dụng điện thoại một cách thoải mái.

“Nếu không có sự giám sát từ các bậc phụ huynh thì nguy cơ trẻ tiếp xúc với nội dung xấu độc trên môi trường mạng là rất lớn. Do đó, vai trò của phụ huynh trong vấn đề này là đặc biệt quan trọng. Cần định hướng cho trẻ những nội dung có ích khi tham gia MXH, hướng dẫn cách phòng tránh đối với những tin xấu, độc hại” - chị H nói.

Chuyên giađưa ra gii pháp?

TS Lê Minh Công (chuyên gia tâm lý), Phó Trưởng Khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết xưa nay vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục thường xảy ra trực tiếp. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, Internet cũng như các ứng dụng trên điện thoại ngày càng nhiều…, từ đó xuất hiện thêm nạn quấy rối, xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Bên cạnh việc học trực tuyến thì trẻ em cũng được tiếp xúc nhiều hoạt động khác trên môi trường mạng. Chính vì vậy, việc dạy cho trẻ sử dụng mạng hiệu quả, an toàn là cần thiết.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Và đối tượng dễ bị xâm hại nhất vẫn là trẻ em. Các xâm hại về tình dục trên mạng có thể kể đến như gửi và xem những hình ảnh, nội dung về tình dục qua mạng; nhắn tin, nói chuyện trên mạng về những nội dung tình dục; có hành vi tình dục, trình diễn khiêu dâm hoặc bắt trẻ trình diễn khiêu dâm qua webcam hoặc điện thoại thông minh…

Theo TS Công, giải pháp đầu tiên là cần dạy trẻ cách nhận biết, các kỹ năng để phòng tránh quấy rối, tấn công tình dục trên môi trường mạng. Bởi lẽ đây là nội dung mới, trong chương trình giảng dạy tại các trường học chưa được đưa vào một cách đồng bộ.

Thứ hai, trong bối cảnh trẻ em hiện nay phải tham gia các chương trình, hoạt động trực tuyến rất nhiều nên vấn đề dạy trẻ kỹ năng sử dụng mạng một cách an toàn, hiệu quả cũng rất quan trọng.

“Tôi cho rằng đối với lứa tuổi HS hiện nay, các trường cần chú tâm đến các chương trình để nâng cao năng lực xã hội và cảm xúc cho trẻ em. Nội dung trong đó là nâng cao năng lực về phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục; nâng cao năng lực về sử dụng mạng an toàn, hiệu quả. Chỉ có như thế, khi năng lực xã hội được nâng cao thì khả năng thích ứng của trẻ đối với các bối cảnh xã hội cũng sẽ được nâng lên. Từ đó trẻ sẽ tiếp cận thông tin có chọn lọc và chủ động nhận thức được các nội dung xấu độc để đào thải.

Việc nâng cao năng lực xã hội cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần có sự chung tay của cả các bậc phụ huynh và toàn xã hội, trong đó có cả hệ thống chính trị cần vào cuộc” - TS Công đánh giá.•

Đường dây nóng tổng đài tư vấn, bảo vệ trẻ

Trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục... hoặc cần tư vấn, nhờ sự trợ giúp thì có thể liên hệ các địa chỉ sau:

- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111.

- Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM): 1900.54.55.59.

- Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 1800.90.69.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới