Theo các chuyên gia, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm ở các địa phương trọng điểm về du lịch là cần thiết. Do đó, các địa phương cũng như ngành du lịch cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch đêm phát triển.
Trung tâm vui chơi giải trí có thể hoạt động đến 6 giờ sáng
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện Du lịch xã hội, cho rằng các địa phương có nhiều điểm vui chơi giải trí như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc có thể hoạt động đến 6 giờ sáng. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi chỉ tập trung vào câu chuyện ăn nhậu, ẩm thực, chưa phục vụ hoàn toàn cho khách du lịch.
Theo mục tiêu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, du khách có nhu cầu vui chơi giải trí rất lớn vào ban đêm, vì vậy ngành dịch vụ cần mở cửa với thời gian lâu hơn để nâng cao mức chi tiêu của khách lên tới 30%-40% trong năm năm tới.
Cạnh đó, khung giờ hoạt động du lịch đêm ở các địa phương không đồng đều. Một số địa phương có các hoạt động ban đêm kéo dài song song như Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế hay Phú Quốc khiến du khách chỉ chọn một trong hai hoạt động giữa mua sắm và trải nghiệm ẩm thực bởi các hoạt động này chỉ diễn ra từ 18 giờ đến 22 giờ.
“Chúng ta chưa đa dạng các trải nghiệm cho khách du lịch. Nếu có sản phẩm thì sản phẩm trùng lặp và chưa có điều gì để du khách lưu lại. Cạnh đó, câu chuyện truyền thông chưa mạnh dẫn đến khách không biết nơi đó có gì chơi nên chỉ tham quan vào ban ngày” - ông Phương nói.
Theo ông Phương, điều quan trọng nữa là câu chuyện tạo nét đặc trưng cho từng khu vực. “Cần thoát tư tưởng làm du lịch đêm cho địa phương mà phải làm du lịch cho cộng đồng quốc tế, người địa phương khác đến du lịch” - ông Phương nói.
PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận: “Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đánh thức tiềm năng xưa nay của các TP phát triển du lịch trọng điểm. Khi phát triển tiềm năng du lịch đêm một cách tổng thể, đề án không chỉ cung cấp nền tảng kinh tế đêm gói gọn trong chợ đêm, phố đêm mà còn rất nhiều chương trình khác. Tuy nhiên, việc tổ chức dịch vụ đến 6 giờ sáng hôm sau là điều không dễ nên bước đi cần chậm mà chắc”.
Ông Long nhận định công tác tổ chức quy hoạch không gian là quan trọng nhất. Việc này cần diễn ra trong không gian phù hợp. Một số TP có mô hình nhưng chưa thành công là do chưa có sự đồng thuận của người dân, quy hoạch chưa hợp lý. Do vậy, Nhà nước cần chỉ đạo và hành lang cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương và Nhà nước.
“Du lịch đêm không chỉ giới hạn ở thời gian mà còn ở quy hoạch và cách quản lý, nếu không quy hoạch tốt thì không gian du lịch trở nên xô bồ” - ông Long nói.
Mỗi địa phương cần có sản phẩm riêng
ThS Mã Xuân Vinh, Phó Trưởng bộ môn du lịch và lữ hành Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), đánh giá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch đêm nhưng hiện nay còn thiếu sản phẩm, chiến lược và quy hoạch.
ThS Vinh đề xuất ngành du lịch Việt cần xác định những hoạt động thu hút du khách có tính liên kết và đa dạng, đừng nghĩ du lịch đêm chỉ là chợ đêm. Hành lang pháp lý là vấn đề then chốt, cần phải đồng bộ các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời tận dụng những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, những dòng sông, sản phẩm du lịch y tế, dịch vụ nghệ thuật giải trí...
Theo ThS Vinh, mỗi địa phương có thế mạnh riêng nên sản phẩm phải riêng biệt, tránh trùng lặp. Do đó, chính địa phương cần nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch có chiến lược từng sản phẩm du lịch, đặc biệt phát huy sức mạnh từ cộng đồng địa phương và văn hóa bản địa. “Các bên liên quan cần có những chính sách, kế hoạch phát triển du lịch đêm một cách cụ thể, có lộ trình, áp dụng theo từng giai đoạn và phải được nghiên cứu trên nhu cầu của du khách” - ThS Vinh nói.
Tương tự, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch quốc gia), cho rằng kinh tế đêm, du lịch đêm phải đi bằng ba chân là mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống. Ba chân này phải được quy hoạch riêng, không ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương. “Tôi đề xuất chính sách miễn trừ thuế tại chỗ để kích thích nhu cầu mua sắm cho khách. Đồng thời xem xét cho phép một số ngành được gọi là “nhạy cảm” được hoạt động. Cởi mở nhưng phải quản lý” - ông Lương đề xuất.
Về góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, đề xuất phát triển du lịch đêm dựa trên các tiêu chí như quy mô, sự độc đáo riêng của từng mô hình dựa trên các đặc thù của mỗi địa phương. Cơ chế hỗ trợ kích thích người dân địa phương đã gắn bó với văn hóa, ẩm thực, sản vật…
“Đối với TP.HCM, chúng ta có thể xây dựng bản đồ du lịch. Kết nối và hình thành các mô hình du lịch đêm dạng tổ hợp đa ngành. Quy hoạch các đường phố thương mại dành cho mua sắm, giải trí và các khu phố ẩm thực…” - bà Phương Anh nói.•
Bộ VH-TT&DL điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế
Theo Tổng cục Thống kê, lĩnh vực dịch vụ, du lịch được coi là một điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Báo cáo kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm, khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% trong mức tăng trưởng chung của GDP nền kinh tế.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12-13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững.