Tại cuộc họp, báo chí đã đặt câu hỏi về công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia, cũng như kết quả điều tra các đường dây buôn người liên quan đến vấn đề trên.
Trả lời, ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại, cho hay Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia luôn coi trọng và rất quan tâm bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân nước ta trước tình trạng nhiều người bị đưa sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên và các cơ quan chức năng của Campuchia để xác minh các thông tin, triển khai biện pháp bảo hộ công dân.
Các cơ quan đại diện đã lập các nhóm công tác chuyên trách xử lý yêu cầu hỗ trợ công dân, cảnh báo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận thông tin hỗ trợ.
Theo ông Vũ, hiện chưa có số liệu chính xác số lượng bao nhiêu công dân bị lừa đảo sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan đại diện đã phối hợp, cứu thoát đưa về Việt Nam an toàn khoảng 600 công dân và hỗ trợ cho nhiều người khác. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan để làm tốt công tác bảo hộ công dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cần thiết phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức, không để người dân bị lừa đảo, buôn bán đi Campuchia.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. |
Về công tác điều tra các đường dây buôn người, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết sau khi xảy ra vụ việc bộ này đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ như Cục cảnh sát hình sự, Cục cảnh sát quản lý về trật tự xã hội, an ninh mạng và công an các địa phương phối hợp với biên phòng, phía Campuchia để điều tra, xác minh các đường dây buôn người sang Campuchia.
“Việc này đã bước đầu ngăn chặn việc buôn người sang Campuchia và kết quả ban đầu tương đối tốt”- ông Xô nói.