Bị lừa bán sang Campuchia giá ngàn đô, muốn về phải bỏ tiền chuộc

(PLO)- Liên tục trong một thời gian ngắn, nhiều người trẻ tuổi bị những nhóm lừa đảo đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia rồi bán cho các công ty do người Trung Quốc làm chủ để cưỡng bức lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại… trên mạng xã hội.

16 trường hợp tố cáo từ đầu năm

Ngày 27-7, Công an quận Tân Phú phát đi cảnh báo đến người dân về việc tránh bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc.

Theo công an, nhiều người bị lừa sang Campuchia rồi bán vào làm việc tại các sòng bài. Ảnh: CATP

Theo công an, nhiều người bị lừa sang Campuchia rồi bán vào làm việc tại các sòng bài. Ảnh: CATP

Theo Công an quận Tân Phú, từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM đã tiếp nhận 16 đơn trình báo, tố giác tội phạm liên quan đến việc công dân Việt Nam bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Camphuchia làm việc, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản...

Như hôm 15-4, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM tiếp nhận tin báo của anh NHT (33 tuổi) trình báo em họ là HHĐ (24 tuổi) xin được việc làm thông qua trang mạng xã hội có nội dung tuyển dụng, giới thiệu việc làm về phần mềm ở Camphuchia.

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: CATP

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: CATP

Sáng ngày 4-4, anh Đ được người giới thiệu đến đón tại nhà và đưa sang Campuchia. Trên đường đi, những người này đã lấy hết tiền của anh Đ, xóa hết số điện thoại liên lạc ban đầu.

Khi sang Campuchia, anh Đ được đưa vào công ty có hàng rào kẽm gai và bảo vệ tuần tra xung quanh.

Anh Đ cũng biết mình bị bán sang Campuchia với giá nghìn đô. Những người ở đó ép buộc anh làm việc từ sáng đến 12 giờ trong vòng sáu tháng để trả tiền mà công ty đã bỏ ra mua lao động thì mới được về Việt Nam.

Trước đó, ngày 28-4, Công an huyện Củ Chi, TP.HCM cũng nhận được tin báo của bà HTL (50 tuổi) về việc con trai là TVH (26 tuổi) bị dụ dỗ đưa đi xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch ở An Giang.

Các thanh niên Việt bị lừa đảo trên mạng trong giờ ăn trưa dưới sự quản lý nghiêm ngặt. Ảnh NDCC

Các thanh niên Việt bị lừa đảo trên mạng trong giờ ăn trưa dưới sự quản lý nghiêm ngặt. Ảnh NDCC

Đến ngày 25-4, anh H nhắn tin về cho gia đình nói đang bị tạm giữ tại Campuchia và phải nộp số tiền 35 triệu đồng để giải cứu.

Một người sau đó xưng là Thành, gọi về cho gia đình thông báo tiền chuộc đã lên đến 80 triệu đồng.

Đến ngày 6-5, anh H bỏ trốn khỏi công ty, bị bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài bắt giữ, xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép và được gia đình đến đón về.

Công an cảnh báo

Công an quận Tân Phú thông báo về phương thức, thủ đoạn hiện nay của các nhóm này để người dân biết, phòng ngừa.

Một nạn nhân ở Campuchia gửi định vị nơi mình ở nhờ giải cứu. Ảnh: NDCC

Một nạn nhân ở Campuchia gửi định vị nơi mình ở nhờ giải cứu. Ảnh: NDCC

Theo đó, các nhóm này sẽ đăng tải lên các trang mạng xã hội tuyển dụng làm việc đơn giản với mức thu nhập cao vài ngàn USD tại Campuchia.

Khi nạn nhân liên hệ, những người này chỉ trao đổi thông qua mạng xã hội: Zalo, Facebook, Telegram... Khi nạn nhân đồng ý thì bố trí xe đến đón, di chuyển thay đổi chỗ ở và xe liên tục.

Một nạn nhân gửi hình ảnh bị nhốt trong căn phòng, trước cửa có chữ Trung Quốc. Ảnh: NDCC

Một nạn nhân gửi hình ảnh bị nhốt trong căn phòng, trước cửa có chữ Trung Quốc. Ảnh: NDCC

Trong quá trình di chuyển, các đối tượng thu giữ tiền bạc, giấy tờ tùy thân và xóa dấu vết những thông tin đã liên lạc trước đó trên máy điện thoại của nạn nhân. Đến cửa khẩu thì sẽ có nhóm khác đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Nạn nhân sẽ được đưa đến khu cao tầng được rào kín và có người canh gác do người Trung Quốc làm chủ.

Tại đây, nạn nhân được hứa hẹn làm việc lương cao, bị ép ký hợp đồng lao động bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh với điều khoản thử việc hoặc hoàn trả tiền bồi thường nếu không tiếp tục làm việc.

Lúc này, nạn nhân mới biết mình bị bán vào các công ty của người Trung Quốc, bắt làm việc, bị giam lỏng.

Nếu nạn nhân không đồng ý làm việc hoặc làm việc không hiệu quả thì sẽ bị bán qua các công ty khác. Nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì các đối tượng sẽ cho liên hệ với gia đình để đòi tiền chuộc.

Điều đáng nói, một số người từng là nạn nhân bị lừa sang Campuchia, bị bán cho các công ty của người Trung Quốc sau đó lại quay về tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo người thân, bạn bè… đưa sang bán lại để kiếm lời.

Những người này thường lợi dụng sự thuận lợi về vị trí địa lý của TP.HCM để biến nơi đây làm nơi trung chuyển nạn nhân.

Công an quận Tân Phú khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại… trên mạng xã hội.

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc; thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó. Nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Trong trường hợp có người thân bị các đối tượng dụ dỗ lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc thì liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để trình báo sự việc hoặc có thể gọi tổng đài quốc gia 111; Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài: +84981.84.84.84.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần thông báo cho người thân và trình báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm