Tại Hội thảo định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đánh giá: “Hoạt động du lịch gặp muôn vàn khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Số khách nội địa hiện giảm hơn 50%, khách quốc tế giảm 90%, công suất buồng phòng giảm còn dưới 100%. Số lượng cơ sở đào tạo du lịch ngày càng gia tăng, năng lực đào tạo dù có cải thiện nhưng vẫn hạn chế”.
Ba điểm yếu của nguồn nhân lực du lịch
Ông Khánh thông tin: Tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ đạt 0,46 lao động/buồng. Một số nơi thiếu lao động cục bộ.
Theo Tổng cục Du lịch, đến nay 90% cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng. Tuy nhiên, số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Do đó, ông Khánh đưa ra giải pháp chính: Về vấn đề công tác phát triển nguồn nhân lực khách sạn phải theo cơ cấu, đảm bảo số lượng, cân đối với cơ cấu ngành đáp ứng cạnh tranh và hội nhập. Doanh nghiệp (DN) cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cơ quan quản lý đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích DN tham gia đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp.
GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), nhận xét: Việc trở lại của khách quốc tế còn chậm nên khách sạn 4-5 sao chưa thể hoạt động bình thường trở lại khiến lượng nhân lực “bỏ nghề mà đi”. Nguồn nhân lực của du lịch hiện nay có ba điểm yếu: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp.
Ông Hùng góp ý: “Đối với lao động có kỹ năng, trình độ, tôi đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, ưu tiên phục vụ buồng, lễ tân với nguồn kinh phí từ cơ quan nhà nước hỗ trợ. Về phía cán bộ quản lý, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại là của DN. Còn về lao động mới tham gia cũng đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, thời gian 1-3 tháng. Người lao động tham gia chương trình này sẽ không phải đóng góp kinh phí nhưng cam kết sẽ làm việc với một cơ sở lưu trú trên địa bàn”.
Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đang thiếu. Ảnh: T.TRINH |
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), để đón lượng khách quốc tế trong thời gian tới thì nguồn nhân lực phải đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng.
“Về mặt sản phẩm du lịch cũng cần phù hợp với nhu cầu thị hiếu mới, như sản phẩm xanh, sản phẩm có lợi cho sức khỏe” - bà Bình nói.
Cần phải đáp ứng được kỳ vọng của du khách
Ông Paul Stoll, Giám đốc điều hành mảng dịch vụ du lịch Tập đoàn Imperial, cho rằng: “Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về lao động đạt chuẩn trong ngành du lịch. Nếu không có các giải pháp thay đổi phù hợp thì sẽ đi ngược lại với khát vọng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong thập niên tới và chắc chắn làm xói mòn giá trị tiềm năng đất nước đang mang lại”.
Theo ông Paul Stoll, nếu muốn duy trì tăng trưởng du lịch, Việt Nam ít nhất cần phải đáp ứng được kỳ vọng của du khách về các dịch vụ tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Việc phát triển cơ sở vật chất tương đối dễ dàng nhưng việc vận hành và duy trì đạt tiêu chuẩn chất lượng lại khó hơn.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng Bộ VH-TT&DL nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ DN để thu hút lực lượng lao động và hỗ trợ đào tạo. Cạnh đó, chỉ đạo phát triển mạng lưới chuyên gia ở tất cả ngành nghề trong du lịch và tổ chức chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số.
Về phía nhà trường, PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng Khoa quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: Để liên kết với DN và có chương trình đào tạo hiệu quả, nhà trường phối hợp triển khai “Học kỳ DN”.
Theo đó, sinh viên đi học tại DN trong suốt một học kỳ chứ không phải chỉ là những chuyến tham quan ngắn. Mô hình thực hiện hiệu quả đi vào thực tế trong năm năm nay và ngày càng được nhiều trường có đào tạo du lịch học tập, đưa vào triển khai.
Ông Thắng cũng cho rằng DN nên có cơ chế gắn kết với cơ sở đào tạo trong việc nhận sinh viên thực tập, thực hành… DN cũng cần lưu ý đến các khía cạnh hợp tác khác để có lợi, đồng thời cần có cơ chế chia sẻ thông tin với nhà trường trong việc hợp tác giữa hai bên.•
Không có kinh nghiệm… cũng tuyển
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Silk Path, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội, thừa nhận hiện tại nhân viên của khách sạn chủ yếu là nhân viên thực tập, bán thời gian, thời vụ, đặc biệt là ở bộ phận buồng phòng.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, khách sạn được chọn làm nơi cách ly nên vẫn duy trì được một phần nhân viên. Thế nhưng đến bây giờ một phần nhân viên đó vẫn tiếp tục “rơi rụng”, có bộ phận chỉ còn 10% nhân viên.
Khi tuyển dụng, bà Thủy cho hay: Tất cả ứng viên đến khách sạn đều yêu cầu mức lương vượt khung. “Ví dụ, vị trí quản lý trực ca đòi 15-20 triệu đồng nhưng lại không có kinh nghiệm. Các bộ phận bảo: Không cần kinh nghiệm, kỹ năng. Miễn biết làm là... tuyển hết” - bà Thủy nói.