Phải chuyển đổi số để phát triển du lịch quốc tế Việt Nam

(PLO)- Các ý kiến cho rằng để phát triển du lịch quốc tế sau dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch cần có giải pháp tiếp cận với du khách bằng cách xây dựng nền tảng du lịch thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2022 về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam (VN) (nằm trong khuôn khổ sự kiện Liên kết sức mạnh VN 2022 diễn ra tại TP.HCM), các sở, ngành, chuyên gia đã đề xuất những giải pháp mới để du lịch quốc tế VN phục hồi và phát triển.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện chưa cao, tỉ lệ hiện chỉ đạt 15% so với kế hoạch năm nay. Ảnh: T.TRINH

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện chưa cao, tỉ lệ hiện chỉ đạt 15% so với kế hoạch năm nay. Ảnh: T.TRINH

Cần tập trung sáu vấn đề

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, cho biết thị trường du lịch có những bước khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch nội địa. Mặc dù vậy, lượng khách quốc tế lại khá hạn chế, tính đến nay cả nước đón hơn 700.000 lượt, chỉ đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.

Để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung sáu vấn đề: Làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh hấp dẫn, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng: Muốn đẩy mạnh hoạt động du lịch, các cấp, các ngành cần phải thật sự tạo điều kiện cho du lịch. Bên cạnh sự chủ động tham mưu thì phải có sự chủ động vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và vào cuộc như «người trong cuộc» của đa ngành giao thông, ngoại giao, công an…

Nói đến xu hướng du lịch quốc tế ở VN trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng có bảy xu hướng: Du lịch an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, xu hướng lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch ngoài trời trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, sản phẩm du lịch mới, tính linh hoạt trong quá trình du lịch.

Ông Tuấn đề xuất giải pháp: Cần tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Ngoài ra, nên mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, đặc biệt là xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sản phẩm Vidotour Indochina Travel, cho rằng nếu khôi phục lại chính sách miễn thị thực như năm 2019, chúng ta sẽ có lượng khách không nhiều nhưng sẽ là lượng khách nhất định đi vào giờ chót.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch giới thiệu VN là điểm đến an toàn, cùng với đó là chiến lược truyền thông mạnh mẽ từ các bộ, ngành và cả người dân.

Tính đến nay lượng khách quốc tế hạn chế, cả nước đón hơn 700.000 lượt, chỉ đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.

Đẩy nhanh số hóa trong du lịch

TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, nhận định việc thu hút khách du lịch đến VN vào những tháng cuối năm 2022 là vấn đề quan trọng và cấp thiết. VN đã có những sản phẩm có sức cạnh tranh rất tốt, đã tốt rồi thì phải làm sao để giới thiệu đến được với các nhóm khách. Ngoài ra, cần sớm có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia cho ngành du lịch.

“Chúng ta cần thúc đẩy đổi mới, chuyển đổi số, đó là xu hướng bắt buộc. Cách xúc tiến truyền thống vẫn làm nhưng phải thêm hướng tiếp cận, vẫn tiếp tục hoạt động xúc tiến truyền thống để thu hút khách hàng tiềm năng. Hướng tiếp theo là xúc tiến các nền tảng công nghệ số, đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng. Hiện cơ sở dữ liệu, các nền tảng số về du lịch ở VN còn rất thấp, phải sớm thay đổi việc này” - TS Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE, CEO Vplus Vietnam, cho biết khách quốc tế đến đây mà chúng ta không có nền tảng công nghệ tốt thì họ sẽ không đến nữa. “Xu thế đang phát triển du lịch không chạm, tất cả thực hiện trên nền tảng. Vì vậy, về công nghệ số chúng ta phải làm được, chắc chắn phải làm được. Nếu có 1 đồng làm nền tảng và chi phí nhân sự thì phải có 3 đồng để quảng cáo và 1 đồng cho duy trì và nâng cấp hệ thống” - ông Đức Anh nhận định.

Ông Đức Anh cho rằng nếu liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý nền tảng (người làm công nghệ du lịch) và các điểm đến, các nhà cung cấp, các doanh nghiệp du lịch thì đây là một nền tảng - một sàn thương mại về du lịch có tính liên kết cao và có đủ sức mạnh để cạnh tranh với các nền tảng trên thế giới hiện nay.•

Không có “đại bàng” khó mà “làm tổ”

Du khách quốc tế tham quan tại một ngày hội liên kết du lịch ở TP.HCM. Ảnh: T.TRINH

Du khách quốc tế tham quan tại một ngày hội liên kết du lịch ở TP.HCM.
Ảnh: T.TRINH

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Ở cấp bộ, cấp quốc gia sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện cho kết nối, thu hút đầu tư, cùng với đó rà soát chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn để kiến nghị tháo gỡ.

Hiện nay, quy hoạch tổng thể đang rất khó. Đầu tư cho du lịch phải rất căn cơ, không có “đại bàng” thì khó mà “làm tổ” được. Vì vậy, phải dựa vào tiềm lực xã hội, huy động sức mạnh từ các nguồn lực khác nhau để tạo ra các khu du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch tầm cỡ.

Ở tầm quốc gia, bộ sẽ kết nối và liên kết. Trước mắt, tại các sự kiện quốc tế chúng ta sẽ tăng cường xúc tiến, khơi thông, làm “ấm lại” thị trường du lịch như tại Hội chợ du lịch Hàn Quốc tới đây; kết nối với Mỹ, mở rộng lại thị trường; đề xuất cơ chế thành lập trung tâm xúc tiến du lịch ở các nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm